Người tỷ phú Sán Dìu trồng rừng ở Tràng Lương
Nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong chương trình trồng rừng và phát triển kinh tế xã hội ở các xã miền núi, trong vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình người dân tộc xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, trong đó có tấm gương điển hình anh Diệp Văn Thủy, người dân tộc Sán Dìu.
Đi gần 20 km đường
dốc của núi rừng, tôi có dịp đến thăm mô hình phát triển kinh tế rừng của gia
đình anh Diệp Văn Thủy, xã Tràng Lương. Anh Thủy sinh năm 1970, trong một gia
đình đông con tại xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều. Năm 1988, anh xây dựng gia
đình với chị Dương Thị Liên, người dân tộc Sán Dìu cùng làng. Nhờ có chính sách
phát triển rừng của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của gia đình anh đã khá giả
lên.
Đã nghĩ là làm, năm
2003, anh Thủy bàn với vợ nhận 8 ha rừng của dự án 327 và đầu tư 700 ngàn tiền
vốn trồng bạch đàn và keo. Đến năm 2006, anh chuyển sang kinh doanh gỗ. Nhớ lại
những ngày tháng đó, anh Thủy tâm sự: “Buôn bán thất thường lắm, lúc có lãi,
lúc lại thua thiệt, thậm chí còn bị ăn “quả lừa” đắng ngắt ”. Nhiều đêm thức
trắng dòng dã suy nghĩ không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Nghĩ thương con, tôi quyết định đầu tư phát triển kinh tế rừng ”. Nhờ có công
mài sắt, có ngày nên kim, năm 2007 anh thu lãi trên 700 triệu đồng từ trồng
rừng và kinh doanh gỗ.
Nhận thấy hiệu quả
thực tế của việc trồng rừng, anh lăn lội đến từng hộ gia đình trong xã tuyên
truyền cách trồng rừng và hỗ trợ cây giống cho bà con. Từ đó, nhiều bà con
trong làng ngoài xã gọi anh là ông Thủy tổ trồng rừng đất Tràng Lương.
Đến năm 2008, anh
thành lập Công ty cổ phần đầu tư 18 - 2 Đông Triều. Công ty của anh hoạt động
chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh buôn bán gỗ với quy mô lớn ở khắp các tỉnh
miền Bắc như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai… Với sự cần cù và năng động
của bản thân, từ hai bàn tay trắng anh đã trở thành tỷ phú. Hiện nay, anh có
trên 70 ha rừng và một cơ đồ sự nghiệp hàng chục tỷ đồng. Ngoài làm giàu chính
đáng cho bản thân, anh còn tạo việc làm cho nhiều người dân trong xã với mức
lương bình quân hàng tháng từ hai đến ba triệu đồng.
Bên cạnh đó, anh còn
có nhiều việc làm đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Tràng
Lương. Kết hợp với một số hộ gia đình xung quanh, anh thành lập tổ liên gia đi
tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông, dọn vệ sinh môi
trường và bảo vệ tài nguyên rừng….
Trao đổi với tôi về
gương anh Diệp Văn Thủy, ông Tạ văn Mai, Chủ tịch UBND xã Tràng Lương tự hào
nói: “ Anh Diệp Văn Thủy là người dân tộc Sán Dìu ở xã Tràng Lương không chỉ là
tấm gương phát triển kinh tế giỏi, anh còn rất gương mẫu chấp hành đầy đủ mọi
chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và phong trào xã hội của địa phương.
Anh Thủy là tấm gương rất đáng để tự hào của bà con dân tộc và xã Tràng Lương
chúng tôi”.
Không chỉ được UBND
xã khen ngợi, gia đình anh còn được thị xã và tỉnh tặng giấy khen là hộ sản
xuất kinh doanh giỏi, là gia đình văn hóa. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
còn trao tặng anh một kỉ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.
Bằng
ý chí và nghị lực của mình, anh Diệp Văn Thủy xứng đáng là tấm gương điển hình
trong phát triển kinh tế và có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước, xã nhà
của người dân tộc Sán Dìu xã Tràng Lương nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số
thị xã Đông Triều nói riêng.