Nhiều địa phương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân giảm nghèo từ nguồn vốn Chương trình 135
Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ, giải ngân nguồn vốn Chương trình 135, nhưng một số tỉnh được hỗ trợ cũng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển từ nguồn vốn này.
Bình Thuận: toàn tỉnh có 10 xã và 21 thôn đặc biệt khó khăn;
tổng dân số toàn vùng thụ hưởng Chương trình 135 có 9.134 hộ/40.463 khẩu; trong
đó, dân tộc thiểu số 7.543 hộ/33.043 khẩu (chiếm 8,2% dân số).
Về Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất: Tổng kinh phí được giao
là 4.050 triệu đồng, các địa phương đã triển khai hỗ trợ mua bò giống cho 31 hộ
nghèo, hộ cận nghèo (huyện Tuy Phong); 02 mô hình nuôi bò lai sind và 02 mô hình
nuôi dê (huyện Đức Linh); huyện Bắc Bình thực hiện hỗ trợ giống cây lương thực (lúa
1.400kg/14 hộ, bắp 1.290kg/129 hộ, mỳ 9.150 cây/61 hộ), giống cây ăn quả 920 cây
xoài /23 hộ, hỗ trợ 49 hộ mua 98 con dê giống, hỗ trợ 49 hộ làm chuồng trại chăn
nuôi dê, hỗ trợ 227 hộ mua 41 tấn phân bón các loại, xây dựng 06 mô hình phát
triển sản xuất, tổ chức 8 lớp tập huấn khuyến nông - khuyến lâm với 311 người
tham dự và hỗ trợ mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất cho hộ nghèo 17 cái.
Các huyện khác triển khai hỗ trợ mua bò giống, mua dê giống và hỗ trợ giống cây
trồng, phân bón, vật tư để phát triển sản xuất.
Về Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng: Tổng kinh phí được giao
là 15.095 triệu đồng, đến nay các địa phương đã tổ chức thực hiện đầu tư xây
dựng được 49 công trình, trong đó, khởi công mới 20 công trình, chuyển tiếp và
thanh toán nợ 29 công trình; duy tu bảo dưỡng 11 công trình. Khối lượng thực
hiện 6 tháng năm 2015: 7.761 triệu đồng (đạt 51,41% kế hoạch giao).
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được nhân dân và cán bộ địa
phương hưởng lợi đồng tình ủng hộ, việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thúc đẩy
phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, cải thiện bộ
mặt nông thôn miền núi, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện theo
từng năm.
Bắc Kạn: trong 6 tháng đầu năm 2015, nhiều chương trình hỗ
trợ được triển khai góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 14,24%
(năm 2015). Cụ thể: Toàn tỉnh có trên 1.970 hộ nghèo và trên 1.600 hộ cận nghèo
được vay vốn; gần 210.000 lượt người nghèo và dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6
tuổi... được cấp thẻ bảo hiểm y tế với tổng số kinh phí hơn 130 tỷ đồng…Chính
sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù được quan tâm thực hiện với tổng nguồn vốn sự
nghiệp hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập theo Nghị quyết 30a là trên
15,5 tỷ đồng.
Tham gia các dự án hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, hai huyện Ba Bể,
Pác Nặm được đầu tư 56 công trình hạ tầng theo chương trình 30a; được giao vốn
trên 90 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng các công trình và
phát triển sản xuất theo chương trình 135; thực hiện dự án nhân rộng mô hình
giảm nghèo; dự án nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá chương
trình giảm nghèo với kinh phí 300 triệu đồng...
Tuy nhiên, đối với các chương trình giảm nghèo, các địa
phương còn lúng túng trong thực hiện giải pháp hỗ trợ cho các hộ nghèo, chưa tìm
ra các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững; một số chính
sách như trợ giúp pháp lý, hỗ trợ y tế, giáo dục... triển khai còn chậm …
Sơn La: Toàn tỉnh có 5 huyện nghèo thuộc chương trình 30a của
chính phủ. Các huyện nghèo có 78 xã với hơn 1000 bản, tiểu khu trong đó có 415
bản đặc biệt khó khăn. Trong năm 2015, tổng nguồn vốn UBND tỉnh giao cho 5 huyện
nghèo thực hiện chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết số 30a là gần 190 tỷ
đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện các chính sách giảm
nghèo đã được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn thuộc
Chương trình 135 đã được phối hợp lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình
xóa đói giảm nghèo khác để phát huy hết hiệu quả. Đáng chú ý, các chính sách hỗ
trợ sản xuất được triển khai kịp thời và đúng đối tượng góp phần quan trọng
trong việc phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ
nghèo tại 5 huyện theo nghị quyết 30a giảm còn 27,35%. Song bên cạnh đó vẫn còn
một số tồn tại hạn chế như nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho các chương trình giảm
nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, công tác cán bộ tại cấp cơ sở còn hạn
chế, thường xuyên có sự luân chuyển cán bộ dẫn tới việc thực hiện nhiệm vụ chưa
chuyên sâu.