Nhiều mô hình sản xuất phù hợp tăng thu nhập cho hộ gia đình dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi
Trong thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước đối với miền núi, vùng đồng bào DTTS, công tác dự báo, hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho nông dân thường xuyên, kịp thời. Các hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất ngày được chú trọng, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo vùng đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, tích cực tham gia phát triển sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc.
Về mô hình trồng trọt, cải tiến kỹ thuật canh tác lúa nước tại các huyện miền núi, năng suất bình quân 55 tạ/ha, tăng từ 15-18 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Sản xuất lúa lai tại các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Trà Bồng năng suất đạt 55-60 tạ/ha, tăng 17-20% so với đại trà.
Trồng lạc trên đất chân cao thiếu nước tại Ba Tơ, Sơn Hà và Trà Bồng năng suất đạt 23tạ/ha. Thâm canh mỳ giống mới trồng xen đậu đen (Trà Bồng), trồng xen lạc (Sơn Hà) năng suất đạt 32-35 tấn/ha, tăng 20-25% so với sản xuất mỳ đại trà (không kể sản phẩm đậu đen, lạc).
Chuyển đổi ruộng 01 vụ không ăn chắc sang trồng mía tại Ba Tơ, Sơn Hà, năng suất đạt trên 75 tấn/ha, chữ đường trên 10CCS. Trồng Thanh long ruột đỏ tại Trà Bồng năng suất năm thứ 3 đạt 9,53 tấn/ha và lãi 154 triệu đồng/ha.
Về mô hình chăn nuôi, chăn nuôi lợn nái sinh sản tại các huyện miền núi là mô hình rất thành công, từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi quản canh truyền thống sang chăn nuôi thâm canh và nuôi nái sinh sản để tăng thu nhập. Cải tiến chăn nuôi trâu, bò tại các huyện miền núi góp phần hạn chế trâu, bò chết đói, rét trong mùa mưa. Cải tạo đàn trâu tại Ba Tơ, Sơn Hà làm chất lượng đàn trâu ngày càng được cải tiến và nâng cao; trọng lượng trâu đực trưởng thành (5 - 6 năm tuổi) đạt từ 400 - 450 kg/con, tăng so với trước từ 100 - 150 kg/con. Chăn nuôi bò có sự đối ứng của người dân tại Minh Long, Trà Bồng, Tây Trà: là mô hình xã hội hóa khuyến nông được người dân đồng tình hưởng ứng.
Về mô hình lâm sinh, trồng quế địa phương (tại Trà Bồng), sau 9- 10 năm trồng, năng suất đạt 5-6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 15-30% so với các giống quế khác. Trồng thâm canh keo lai hom tại Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, mật độ 1.760 cây/ha, năng suất đạt 20-25 m3/ha/năm; cao gấp 1,5 -1,8 lần so với trồng keo hạt.
Về mô hình khuyến ngư, nuôi cá nước ngọt tại các huyện miền núi là mô hình khá thành công, giúp người dân sống ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh, biết khai thác những ao, lạch,... tận dụng nuôi cá nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày, góp phần quan trọng vào chương trình xoá đói, giảm nghèo.
Những kết quả đạt được đã góp phần thay đổi nhận thức, tạo niềm tin cho người nghèo vùng đồng bào DTTS trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả, tạo thêm việc làm tăng thu nhập, thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như: sản xuất mía, mỳ tại Ba Tơ, Sơn Hà; sản xuất quế tại Trà Bồng; chăn nuôi bò thịt tại Minh Long,... năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi ngày càng được cải thiện, giá trị sản xuất tăng theo hướng tăng giá trị gia tăng. Tác động tích cực trong việc đa dạng hóa các loại giống cây trồng, vật nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần làm phong phú các mặt hàng nông sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển KT-XH miền núi theo cơ chế thị trường. Tạo cho người sản xuất ý thức về phát triển bền vững, nghĩa là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là với vùng đồng bào các DTTS.
Tuy nhiên, cũng có những tồn tại là hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình còn nhiều bất cấp, việc lập kế hoạch thiếu sự tham gia của người dân nên nhiều mô hình không phù hợp với thực tiễn sản xuất. Kinh phí ít, mô hình đầu tư dàn trãi, manh mún, hiệu quả đem lại chưa thật sự thuyết phục, thu hút người dân tham gia hưởng ứng và nhân rộng.
Việc phổ biến nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả ra sản xuất đại trà gặp khó khăn, do dự toán kinh phí đầu tư mô hình lớn so với khả năng của hộ gia đình vùng đồng bào DTTS, một số mô hình kỹ thuật áp dụng chưa phù hợp với năng lực sản xuất của người miền núi. Chưa có sự phối hợp đồng bộ của 4 nhà “nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông” để đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.