Như Thanh: Diện mạo mới từ nguồn vốn Chương trình 135

Như Thanh là huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa với 11 xã và 7 thôn đặc biệt khó khăn đang được thụ hưởng các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135. Đến nay, nhờ triển khai hiệu quả Chương trình, diện mạo của các bản làng đã có nhiều thay đổi, đời sống bà con ngày càng được nâng cao.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, với tổng nguồn lực 3.424 tỷ đồng huy động để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… góp phần tạo nên diện mạo mới cho các bản làng.

Đặc biệt, nguồn đầu tư hỗ trợ cho các chương trình, dự án thúc đẩy phát triển sản xuất đã tạo chuyển biến trong tư duy làm kinh tế hiệu quả cho đồng bào. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS của huyện đã chuyển biến tích cực; tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân từ 5 - 6%/năm.

Nhà nước hỗ trợ gần 10 triệu đồng để mua bò. Trong lúc khó khăn, có được số tiền khởi đầu này, gia đình rất mừng nên cùng nhau bàn bạc vay thêm mỗi hộ vài triệu để mua một con bò cái sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, đến nay, con bò sắp có lứa đầu tiên. Bà dự tính, nếu không gặp vấn đề gì về thiên tai, dịch bệnh, năm nay gia đình bà có sẽ lãi một con bê con với giá từ 16 - 18 triệu đồng.

Đến nay, thôn Xuân Thành có 13 con bò cái đang độ sinh sản. Sau một năm, xuất bán bò con với giá từ 16-18 triệu đồng/con, cộng với việc chăn nuôi gà, vịt và trồng mía…trừ chi phí mỗi hộ nơi đây có thể thu nhập được từ 25 - 30 triệu đồng/năm.

Theo ông Lương Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, với lợi thế là huyện miền núi diện tích đất đai tương đối rộng, khí hậu tương đối ôn hòa rất thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Do vậy, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án chính sách dân tộc, địa phương rất quan tâm đến việc ưu tiên nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án phát triển sản xuất, nhất là nguồn vốn từ Chương trình 135 để hỗ trợ cho các hộ phát triển chăn nuôi. Riêng năm 2014, với số tiền vốn từ Chương trình 135 là trên 3,6 tỷ đồng, huyện đã hỗ trợ cho trên 460 hộ nghèo mua gần 500 con trâu bò, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, thông qua việc lồng ghép các chương trình như Chương trình 135 và Chương trình 134, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa… được triển khai đồng bộ, đã tạo thêm điều kiện về vốn, hỗ trợ giống cây, con nông nghiệp; hỗ trợ bà con về kiến thức về khoa học kỹ thuật, về công tác khuyến nông, đã từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác, sản xuất manh mún lạc hậu lâu nay của bà con. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa các loại giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng tăng thu nhập.

Đến nay, chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS ở Như Thanh ngày càng được nâng lên. Bình quân thu nhập năm 2010 là 10,5 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2015 tăng lên 22 triệu đồng /người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2014 giảm xuống còn 17,3%. Trên địa bàn đã có không ít hộ đã có của ăn của để, trở thành hộ khá với mức thu nhập hằng năm đạt từ 50 - 60 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Lương Văn Hoàn cho biết thêm, việc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn ở huyện Như Thanh, ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các xã trong việc thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch nên nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Mặt khác, cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn rất tâm huyết, trách nhiệm với công việc.

Trong quá trình triển khai dự án, cán bộ làm công tác dân tộc luôn bám sát địa bàn, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo huyện điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc. Đặc biệt là việc tham mưu, phối hợp lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác đã nâng cao chất lượng, tính bền vững từ các công trình, dự án được triển khai, qua đó, giúp đồng bào được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ một cách toàn diện, hiệu quả.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành