Những đổi thay trên vùng đất Si Ma Cai
Đến Si Ma Cai, 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, đồng thời là huyện nghèo và khó khăn nhất tỉnh Lào Cai để tìm hiểu về đời sống của đồng bào nơi đây. Huyện có 13 xã thì cả 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhưng có đến nơi mới thấy nơi đây đã có chuyển biến như thế nào. Mạng lưới giao thông đã phủ kín tới tất cả các thôn, bản. Nếu như chỉ cách đây 10 năm, những xã ở gần trung tâm huyện cũng chưa có đường để tới nơi, giờ đường giao thông đã phủ tới bản xa nhất. Trước năm 2005, Si Ma Cai còn 6 xã và 69 thôn, bản chưa có đường ô tô, xe máy tới nơi, phải đi bộ rất vất vả.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai lấy ví dụ,
xã Quan Thần Sán gần huyện như thế, lúc trước chỉ có đường cấp phối, phải đi xe
gầm cao, mã lực mạnh mới vượt qua nổi con đường vừa dốc vừa đá lởm chởm để vào
tới trung tâm xã. Nhưng giờ mọi người cứ đi mà xem, xe ô tô bon bon tới tận bản.
Tất cả được như thế nhờ chúng tôi phát động phong trào “mình làm đường cho mình
đi” sâu rộng tới tất cả thôn, bản; lấy trưởng bản, già làng, dòng họ làm hạt
nhân để vận động, tuyên truyền và tổ chức bà con mở đường giao thông. Và kết quả
là thành công hơn mong đợi” – ông Phúc hổ hởi thông tin thêm
Đến Quan Thần Sán, chúng tôi gặp ông Tráng Seo Tú, bí thư chi bộ thôn Lao Chả,
người dân tộc Mông, ông cười vui bảo: Ngày trước, khi làm đường, xã được Nhà
nước hỗ trợ kinh phí từ Chương trình 135 mua xi măng, cát, đá… người dân chúng
tôi luân phiên làm, xã đã cử cán bộ bám sát, hỗ trợ trong quá tình triển khai.
Đến nay, đường đã thông hết thì chẳng mấy chốc mà các hộ sẽ thoát nghèo. Bà con
mình bây giờ chỉ nghĩ làm thế nào để tăng năng suất cây trồng thôi”.
Ở miền núi có mảnh đất bằng phẳng để làm nhà, làm nương không
phải ai cũng có điều kiện. Nhưng qua phong trào làm đường bê tông tại địa phương
đã có rất nhiều hộ tự nguyện tháo dỡ tường rào, hiến đất canh tác, giải phóng
mặt bằng để làm đường. Toàn xã Quan Thần Sán có 8 hộ hiến được 2.380m2 đất,
trong đó các ông: Thào Seo Pao hiến 1.000m2 đất; Lừu Seo Pùa hiến 700m2... Dù
khó đến mấy, chỉ cần người dân đồng lòng, việc gì khó mấy cũng sẽ thành công –
ông Tú chia sẻ.
Giao thông mở mang, phát triển, sẽ là động lực để xoá đói
giảm nghèo. Được biết, Si Ma Cai có riêng một nghị quyết về giảm nghèo bền vững
đến năm 2020, với mục tiêu giá trị trên 1 ha canh tác tại Si Ma Cai sẽ đạt từ
25–35 triệu đồng, thu nhập bình quân từ 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo
giảm từ 29,45% năm 2014 xuống còn dưới 10% vào năm 2020. Trong đó, dự án Đầu tư
và Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2015-2020 mà huyện đang trình UBND tỉnh được
coi là điểm đột phá chủ lực để thực hiện nghị quyết của tỉnh bởi trong điều kiện
đất sản xuất nông nghiệp rất ít, trồng trọt không có đột biến về giá trị gia
tăng, nên chỉ có chăn nuôi mới nâng cao được thu nhập.
Và cũng như mọi bản làng vùng cao trên khắp cả nước, cuộc
sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc đang ngày càng được Đảng, Nhà
nước quan tâm hơn. Giao thông được mở mang, sản xuất được hỗ trợ sẽ là tiền đề
để người dân phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo, đem lại cuộc sống ngày càng
ấm no giàu đẹp.