Những khó khăn khi xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai được gần 5 năm. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Điện Biên vẫn chưa có xã nào đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới, kể cả xã điểm, được Ban Bí thư trung ương chọn triển khai.
Xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên bắt tay xây dựng nông thôn mới
năm 2009, là 1 trong 11 xã trên địa bàn cả nước được Ban Bí thư Trung ương lựa
chọn làm thí điểm. Thời điểm đó, xã đã có 2/19 tiêu chí đạt nông thôn mới. Sau 5
năm triển khai, với sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, sự nỗ lực của địa phương,
Thanh Chăn đã dẫn đầu toàn tỉnh Điện Biên trong Chương trình xây dựng nông thôn
mới với mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,9 triệu đồng vào năm 2009 lên
14 triệu đồng vào năm 2014. Tuy nhiên đến thời điểm này, xã mới đạt 14 tiêu chí.
Những tiêu chí còn lại chưa đạt như: chợ nông thôn do thiếu vốn xây dựng, thu
nhập chưa đạt do điều kiện khó khăn của 1 xã vùng cao, biên giới. Mặc dù các cấp
chính quyền đã quyết liệt chỉ đạo người dân phát huy hết nội lực tuy nhiên tiềm
lực về tài chính của người dân còn rất khó khăn, chủ yếu là đóng góp bằng sức
lao động.
Thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông
thôn mới tỉnh Điện Biên, đến thời điểm này toàn tỉnh mới có 6/116 xã đạt từ
10-14 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. 6 xã này thuộc huyện
Điện Biên, đều là những xã nằm trong lòng chảo Điện Biên Phủ, thuộc những vùng
thuận lợi nhất của tỉnh.
Ông Lò Quang Chiêu, phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tỉnh, Chánh văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới
tỉnh Điện Biên cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, tỉnh
chưa đạt mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh đã có 108/116 xã hoàn thành phê duyệt quy
hoạch chung, trong đó 43 xã được phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới. Nhưng
đến nay, chưa có xã nào đạt đủ 19 tiêu chí, mới có 6 xã đạt từ 10- 14 tiêu chí,
15 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là năng lực và nhận thức của
chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương còn hạn chế. Đơn cử như những đề xuất từ
lãnh đạo chính quyền các xã đều chỉ tập trung xin tăng vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở
hạ tầng, ít địa phương đề xuất tới phương án sản xuất; chuyển dịch cơ cấu lao
động nâng cao thu nhập người dân. Nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc
gia và các dự án khác còn hạn hẹp, nên việc phối hợp lồng ghép các nguồn vốn đầu
tư trên địa bàn gặp khó. Bên cạnh đó, việc đầu tư dàn trải, dẫn đến tình trạng
xã nào cũng chưa đạt đủ tiêu chí.