Những khó khăn trong việc xây dựng nông thôn mới ở Đà Bắc
Nhằm thay đổi diện mạo của các xã vùng sâu, vùng xa, nâng cao mức sống cho người dân, trong những năm qua huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực triển khai xây dựng Chương trình Nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện Chương trình vẫn gặp rất nhiều khó khăn…
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông
thôn mới tại 19 xã đã đạt được những kết quả nhất định. Đó là việc hệ thống cơ
sở hạ tầng với các tiêu chí như điện, đường giao thông, công trình thủy lợi… dần
được hoàn thiện, phục vụ hiệu quả đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
Đến nay, có một số xã đã đạt được 12/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới.
Nhưng quan trọng nhất, đó là việc xây dựng chương trình đã nhận được sự đồng
thuận, chung sức lớn từ cộng đồng.
Trong năm 2014, với tổng nguồn vốn huy động trên 176 tỷ đồng,
huyện đã tiến hành làm mới và nâng cấp 26 công trình đường giao thông thôn xóm;
xây dựng 15 công trình trường học với kinh phí 34 tỷ đồng… Bên cạnh đó, do xuất
phát điểm thấp, điều kiện kinh tế người dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động
kinh phí từ phía người dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm chỉ
dừng lại ở việc người dân trong huyện đã đóng góp hơn 10 nghìn ngày công và hiến
trên 20 nghìn mét vuông đất – ông Sơn cho biết thêm.
Hiện tại, một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xây
dựng NTM tại Đà Bắc chính là thiếu kinh phí. Nếu như trong đề án xây dựng NTM
của từng xã được phê duyệt, tổng kinh phí mỗi xã cần phải có khoảng hơn 150 tỷ
đồng. Tuy nhiên, hiện nay hằng năm bình quân mỗi xã chỉ được cấp 400 triệu, xã
điểm của huyện được quan tâm hơn nên nhận được 800 triệu. Do vậy, tiếng là mỗi
năm tổng nguồn kinh phí cho Chương trình là 176 tỷ đồng nhưng trên thực tế vốn
lồng ghép từ các nguồn khác đã chiếm hơn 165 tỷ.
Xã Hiền Lương, một trong những xã điểm của tỉnh trong xây
dựng NTM, mỗi năm được cấp kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Với số tiền này, xã vừa
phải nâng cấp hạ tầng giao thông, vừa phải hỗ trợ sản xuất nên rất eo hẹp. Chỉ
tính như nếu làm mới tuyến đường giao thông dài khoảng 1km là đã không đủ và
phải kéo dài sang tới năm sau. Việc thiếu kinh phí dẫn tới các công trình buộc
phải kéo dài, chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ, mục tiêu xây dựng
NTM.
Một đặc điểm tự nhiên khá thuận lợi là xã có diện tích mặt
nước lòng hồ sông Đà khá lớn. Do vậy, xã có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ
người dân xây dựng mô hình nuôi cá lồng thương phẩm phát triển kinh kế, xóa đói
giảm nghèo. Hiện tại, bà con chủ yếu nuôi các loại cá như trắm ốc, cá nheo, cá
tầm. Anh Nguyễn Văn Đồng ở xóm Doi, đang có 5 lồng cá chia sẻ: Nếu thuận lợi, cá
không bị bệnh hoặc mưa lũ cuốn trôi thì bình quân mỗi vụ trừ chi phí, một lồng
cũng lãi được 10- 20 triệu đồng.
Cùng với mô hình nuôi cá lồng ở Hiền Lương, huyện Đà Bắc cũng
đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, như nuôi lợn, sản xuất
đũa tre, chăn nuôi bò sinh sản tại các xã điểm Tu Lý và Mường Chiềng để từng
bước đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình ra toàn huyện… Tuy nhiên cho đến nay
ngay cả xã điểm của tỉnh cũng chưa thể hoàn thành tiêu chí thu nhập cho người
dân. Và đây cũng là khó khăn chung của tất cả các xã xây dụng NTM của Đà Bắc.
Lý giải về điều này, ông Xa Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện
bộc bạch: Hầu hết các xã của Đà Bắc đều nằm trong diện di vén dân thủy điện Hòa
Bình, người dân phải di chuyển nhiều lần gây mất ổn định về đời sống. Trong khi
đó, điều kiện tự nhiên khó khăn, thiếu đất sản xuất. Khi tiến hành xây dựng NTM,
việc đầu tư, củng cố lại hạ tầng, ổn định đời sống dân cư tốn rất nhiều kinh phí
và thời gian. Dù đã nỗ lực và có cải thiện nhưng tỷ lệ hộ nghèo toàn hyện vẫn là
34%, đây cũng là trăn trở rất lớn của chính quyền địa phương.
Do vậy, thời gian tới, huyện xác định tiêu chí giảm nghèo và
nâng cao thu nhập cho người dân tiếp tục là trọng tâm trong xây dựng NTM. Theo
đó, Đà Bắc sẽ ưu tiên hỗ trợ, trình diễn các mô hình phát triển kinh tế hộ gia
đình nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn huyện. Đồng thời, vận
động người dân trồng rừng kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm
nghèo.