Những vấn đề đặt ra hậu công tác tái định cư thủy điện

Vì lợi ích chung của đất nước, khi triển khai các dự án thủy điện, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã đồng thuận di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, thời gian qua, do công tác tái định cư (TĐC) không tốt nên đã phát sinh rất nhiều vấn đề khiến người dân bức xúc kéo dài, thậm chí gây mất niềm tin của đồng bào với chính quyền.

Một trong những bức xúc kéo dài liên quan đến công tác TĐC thủy điện chính là việc đền bù giải phóng mặt bằng. Theo đó, hầu hết các khiếu kiện của người dân cho rằng mức giá đền bù không thỏa đáng, nguyên nhân là do tài sản đất đai, nhà cửa, hoa màu của họ bị định giá thấp hơn so với thực tế. Việc các dự án TĐC do Chính phủ quyết định đầu tư thường có mức giá bồi thường, hỗ trợ cao hơn các dự án do địa phương quyết định cũng làm nảy sinh sự so sánh của người dân về mức giá đền bù TĐC dẫn tới khiếu kiện về mức giá đền bù.

Câu chuyện về những hộ dân ở xã Hát Lót huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La xảy ra cách đây chừng 5 năm là một ví dụ điển hình. Khi đó, để thành lập khu TĐC cho hơn 50 hộ đồng bào dân tộc Thái bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Sơn La, Ban quản lý dự án di dân huyện Mai Sơn đã tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng cho một số hộ dân bản địa của tiểu khu 428 và bản Nà Sẳng xã Hát Lót. Tuy nhiên, do không thống nhất được mức giá đền bù, nên đã dẫn tới việc khiếu kiện kéo dài.

Tại thời điểm đó, theo phản ánh của người dân thì nguyên nhân xuất phát từ việc ban đầu, Ban QLDADD Mai Sơn thông báo sẽ đền bù đất với giá 48 triệu đồng/ha. Thế nhưng khi tiến hành, họ lại chia ra thành hai loại đất là đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Theo đó, giá của đất lâm nghiệp tụt xuống còn 35 triệu đồng, đồng thời, tiền hỗ trợ tái sản xuất 10 triệu đồng cũng mất luôn. Trong khi đó, từ lâu, tất cả đất đai người dân ở tiểu khu 428 và Nà Sẳng đều trồng hoa màu.

Bất đồng quan điểm trong việc đền bù, người dân sở tại kiên quyết không nhận tiền, không giao đất sản xuất cho các hộ khu TĐC. Nhiều lần, cán bộ Ban QLDADD huyện Mai Sơn mang tiền vào Tiểu khu 428 và bản Nà Sẳng thanh toán nhưng đều phải mang tiền về, sự việc kéo dài suốt mấy năm khiến các hộ TĐC không có đất để sản xuất.

Bên cạnh đó, do thiếu quy hoạch tổng thể nên nhiều công trình TĐC xây dựng xây dựng còn bất hợp lý và bị xuống cấp nhanh chóng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự bức xúc của người dân.

Mới đây, tại khu TĐC thủy điện Quảng Trị được xây dựng trên địa bàn xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, hàng loạt những ngôi nhà sàn mô phỏng nhà truyền thống của đồng bào Vân Kiều được xây dựng kiên cố cho đồng bào chuyển tới ở. Tuy nhiên, dù đã 8 năm nhưng vẫn còn một số căn nhà bỏ hoang vì người dân không chuyển đến. Bởi lẽ, đồng bào Vân kiều không có thói quen ở trong nhà xây kiên cố. Đó là chưa kể tới việc, toàn bộ khu TĐC nằm trong “túi gió” nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, sản xuất khiến những người ở lại gặp nhiều khó khăn, tâm lý bức xúc. Do vậy, đã có không ít hộ đã quay về bản cũ ở khu vực lòng hồ thủy điện để sinh sống bất chấp nguy hiểm.

Đất sản xuất luôn là nỗi lo lớn nhất của đồng bào tái định cư

Hiện nay, tại các khu TĐC, việc ổn định cuộc sống sinh hoạt, sản xuất có thể kéo dài cả chục năm, tuy nhiên, các quy định về nội dung và thời hạn hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng nhìn chung vẫn chỉ tập trung vào ngắn hạn gây khó khăn không nhỏ cho người dân và thiếu tính bền vững trong việc giúp họ tạo lập sinh kế. Đơn cử như, theo Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định, khi Nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp thì hộ gia đình và cá nhân sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian từ 3-6 tháng.

Trong trường hợp các hộ gia đình hay cá nhân phải di chuyển đến địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì được xem xét hỗ trợ không quá 12 tháng.

Nhìn vào nội dung quy định trên, không khó có thể nhận thấy rằng đa phần kinh tế của đồng bào DTTS phụ thuộc chủ yếu vào đất nông nghiệp trong đó cây ngô, cấy sắn là chủ lực. Vì thế, khi thu hồi phần lớn đất nông nghiệp mà chỉ hỗ trợ ổn định trong khoảng thời gian 3-6 tháng thì họ biết làm gì, mưu sinh thế nào khi hết sự hỗ trợ và mất đất sản xuất. Dù rằng trong tay có thể có tiền đền bù nhưng việc sử dụng hiệu quả hay không cũng là điều cần phải đặt câu hỏi.

Trong khi đó, tại nhiều khu TĐC, việc thiếu đất sản xuất càng làm cho cuộc sống của người dân thiếu tính ổn định, bền vững.

Tại bản TĐC Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (thuộc dự án di dân TĐC Bản Vẽ tỉnh Nghệ An), cuộc sống của người dân bản sau 5 năm về định cư mới vẫn nghèo nàn, thậm chí đã có trường hợp các hộ bán nhà, khóa cửa bỏ về nơi ở cũ. Nguyên nhân chính là do đất sản xuất ở bản mới không nhiều và màu mỡ như ở bản cũ.

Theo như phản ánh của người dân, mỗi người chỉ được cấp 2500 m2 đất sản xuất nhưng toàn sỏi đá khô cằn khiến cây lúa nước không phát triển, năng suất thấp. Bên cạnh đó, do nhà thầu giao đất muộn cho một số hộ dân, khiến nhiều gia đình lâm vào tình trạng nghèo đói vì không biết lấy gì để sinh sống. Đó là chưa kể những khó khăn như vào mùa mưa lũ, bản Kim Hồng bị cô lập, bởi cây cầu nối Kim Hồng với các bản khác đã bị lũ lụt đánh trôi từ lâu; hệ thống nước tự chảy bị hư hỏng nặng khiến đồng bào không có nước sạch sinh hoạt… khiến cuộc sống của người dân nơi bản mới gặp không ít khó khăn, rất bấp bênh.

Liên quan tới tính bền vững sau TĐC các dự án thủy điện, tại cuộc Hội thảo về đánh giá tác động kinh tế xã hội các dự án TĐC thủy điện đối với đồng bào DTTS do Hội đồng DTQH và UBDT phối hợp tổ chức đã chỉ ra rằng: Hơn 90% số hộ bị ảnh hưởng phải di dời dành đất cho các dự án thủy điện là các hộ làm nông nghiệp, sống phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái lâm sản… Quá trình thu hồi đất và chuyển họ đến nơi ở mới đã làm đảo lộn cuộc sống và thay đổi gần như hoàn toàn các hoạt động sinh kế của người dân.

Theo đó, thu nhập của đồng bào bị thu hẹp, mất đi các nguồn thu từ nông nghiệp, chăn nuôi, từ rừng... Những phương thức canh tác truyền thống trở nên không còn phù hợp trong điều kiện mới. Trong khi nhiều sự hỗ trợ còn thiếu thiết thực và chưa được chú trọng càng khiến quá trình ổn định cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn hơn, thiếu bền vững thực sự là vấn đề đáng quan ngại.

 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành