Nông dân Lai Châu làm theo lời Bác
Những năm qua, hội nông dân các cấp trong tỉnh đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua đó, phát huy được tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.
Thực hiện lời dạy
của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, nếu trước đây các xã
vùng cao của huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ… bà con quanh năm chỉ sản xuất
1 vụ thì nay nông dân từ vùng thấp đến vùng cao vượt lên trở ngại, mạnh dạn đưa
nhiều mô hình phát triển kinh tế vào sản xuất, bao phủ đất trống, đồi trọc bằng
màu xanh của lúa, ngô, chè, các loại cây ăn quả. Nông dân đổi mới tư duy trong
sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành vùng lúa chất lượng cao ở Than Uyên,
Tam Đường; sản xuất rau vụ đông ở San Thàng, Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu),
vùng chuyên canh cây chè (Tân Uyên), cao su (Sìn Hồ, Phong Thổ). Trong phát
triển chăn nuôi không còn tình trạng thả rông gia súc, gia cầm mà đầu tư xây
dựng các chuồng trại kiên cố, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn
gia súc, gia cầm.
Đồng chí Mùa A Trừ -
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu năm, các cấp Hội đẩy mạnh
công tác đổi mới nội dung và hình thức các phong trào thi đua nhằm khơi dậy,
phát huy sự tham gia của đông đảo hội viên. Qua phong trào “Nông dân thi đua
sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu” đã xuất hiện nhiều tấm
gương điển hình phát triển kinh tế. Nhiều nông dân mạnh dạn thay đổi phương
thức sản xuất, hướng đến mô hình kinh tế hàng hóa theo nhu cầu thị trường, góp
phần tăng trưởng kinh tế nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh”.
Để thúc đẩy phong
trào sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ
hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất thông qua ủy thác với các chi
nhánh: Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn dư nợ quỹ hỗ trợ Hội Nông dân. Hội Nông dân tỉnh phối hợp Trung tâm Dạy
nghề và Hỗ trợ việc làm mở các lớp dạy nghề, triển khai mô hình thí điểm:
V-A-C, V-A-C-R, giúp học viên học nghề nắm vững lý thuyết và áp dụng vào thực
tế địa phương.
Đến năm 2014, toàn
tỉnh có 3.200 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (tăng gần
1.000 hộ so với năm 2011), trong đó hộ kinh doanh giỏi người dân tộc thiểu số
2.556 hộ. Tiêu biểu như gia đình bà Đèo Thị Xớp -phường Đoàn Kết (thành phố Lai
Châu) trung bình mỗi năm làm gần 200 chiếc chăn, đệm bán ra thị trường trong và
ngoài tỉnh. Với mong muốn gìn giữ các món ăn truyền thống của dân tộc Thái, gia
đình bà chế biến các món ăn thịt sấy, cá nướng, thịt hun khói cung cấp cho các
nhà hàng trên trên địa bàn thành phố. Các món ăn do cơ sở của bà chế biến đã có
nhiều khách hàng lựa chọn làm quà biếu mỗi khi có dịp về quê. Trừ chi phí mỗi
năm gia đình bà thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Hay như gia đình ông
Lò Văn Đanh ở bản Nà Phát, xã Nậm Cần (Tân Uyên) giàu lên từ mô hình kinh tế
tổng hợp. Lúc bắt đầu, ông gặp khó khăn về vốn, chưa có kinh nghiệm phòng trừ
dịch bệnh. Nhưng với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm ông đầu tư mở cửa hàng tạp hóa,
trang trại chăn nuôi, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho bà con trong bản. Hiện
gia đình ông có trên 10 con trâu, 4.000m2 ao thả cá: trắm, rô phi, chép… bán ra
thị trường 600-700 tạ cá/năm. Nhờ đó mà hàng năm gia đình ông thu nhập được 120
triệu đồng, đời sống gia đình được cải thiện, sắm sửa được nhiều tiện nghi phục
vụ đời sống hàng ngày.
Bà
con bản Huổi Luồng, thị trấn Tân Uyên chăm sóc chè Kim Tuyên
Nắm bắt được nhu cầu
của thị trường, nhiều nông dân đã năng động tìm hướng đi mới trong phát triển
kinh tế. Điển hình là anh Lê Văn Tỉnh - bản San Thàng 2, xã San Thàng (thành
phố Lai Châu). Cơ sở của anh hiện có 2 điểm trồng hoa với diện tích trên 3ha
gồm nhiều loại hoa: hồng, hoa ly, cúc… phục vụ nhu cầu của Nhân dân trong tỉnh.
Anh Phạm Quang Nghị ở bản Noong Luống, xã Bình Lư (Tam Đường) đầu tư hàng trăm
triệu đồng xây dựng nhà lưới để trồng rau. Hiện anh mở rộng diện tích trồng rau
an toàn lên 6.000m2 chủ yếu là: cà chua, dưa chuột, mướp. Theo anh thì trồng
rau vụ đông cho năng suất thấp nhưng giá trị kinh tế cao gấp đôi so với chính
vụ. Hàng năm cung ứng cho thị trường 10 tấn rau các loại, trừ chi phí thu về
hơn 100 triệu đồng.
Từ việc nông dân thi
đua làm theo lời Bác đã khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, thúc đẩy chuyển
đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất,
phát triển kinh tế hộ, trang trại. Qua đó, sản xuất nhiều mô hình đa dạng,
phong phú theo hướng phát triển hàng hóa, xóa nghèo, từng bước xây dựng nông
thôn mới.