Nuôi dưỡng khát vọng kinh doanh, tự tin, phát huy nội lực, chia sẻ thông tin kết nối, hợp tác, hành động

Vùng dân tộc thiểu số hiện nay đang là vùng khó khăn nhất cả nước. Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số chỉ ra tính đến 1/7/2015, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn tới 23,1%, cao gấp 3,3 lần mức bình quân chung của cả nước, cá biệt một số nhóm dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 50%. Mặt khác, Việt Nam đã ra nhập các nước có thu nhập trung bình đồng nghĩa với việc các đối tác phát triển đang hướng sự hỗ trợ của họ ra khỏi Việt Nam. Khó khăn trong huy động nguồn lực đặt ra yêu cầu ngày càng cấp thiết phải có cách tiếp cận mới theo hướng khơi dậy và phát huy nội lực của người dân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta gồm 52 tỉnh, 458 huyện, 5.266 xã - nơi sinh sống chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số. Địa bàn rộng, có nhiều tài nguyên, sản vật phong phú, sự đa dạng văn hóa cùng với sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần được nhìn nhận là vùng đất của cơ hội phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, sản xuất kinh doanh cây trồng, vật nuôi đặc sản, dược liệu, khai thác tiềm năng danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa để phát triển du lịch.

Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số nước ta có 21 mô hình khởi nghiệp do chính người dân tộc thiểu số thực hiện, tồn tại dưới các hình thức: Tổ hợp tác tạo việc làm cho từ 10 - 50 người dân tộc thiểu số; hợp tác xã tạo việc làm cho từ 10 - 12 người dân tộc thiểu số; doanh nghiệp cộng đồng, doanh nghiệp xã hội tạo việc làm cho từ 30 - 100 người dân tộc thiểu số. Các tổ chức khởi nghiệp tập trung nhiều tại Lào Cai và Hà Giang - những địa bàn có thế mạnh về trồng cây dược liệu, nông nghiệp và du lịch. Thu nhập bình quân của người lao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. 62% tổ chức khởi nghiệp được thực hiện tại các xã đặc biệt khó khăn. Điều này cho thấy nếu có ước mơ, có quyết tâm, có sự hỗ trợ của Nhà nước, của xã hội và các tổ chức quốc tế, người dân tộc thiểu số dù sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn vẫn có thể tự tìm ra lối thoát để vươn lên.

Tại Diễn đàn Phát triển các dân tộc thiểu số năm 2017, chủ đề “Hợp tác, kết nối, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp” do Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Thế giới và một số đối tác quốc tế đồng tổ chức ngày 16/5/2017 tại Hà Nội, 300 đại biểu tham dự đã đồng thuận cho rằng thúc đẩy khởi nghiệp sẽ là giải pháp tốt để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số nước ta. Tuy nhiên, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp cần được tiếp cận theo tư duy mới. Về chủ thể, không chỉ tập trung vào doanh nghiệp mà cần quan tâm đến các hộ gia đình, các tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp từng bước lớn dần quy mô sản xuất, kinh doanh. Không chỉ quan tâm đến 23,1% hộ nghèo dân tộc thiểu số mà cần có chính sách để 76,9% người dân tộc thiểu số không thuộc nhóm đói nghèo giàu lên (tức là cần có chính sách tăng giàu). Lực lượng này sẽ là đầu tầu tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những người nghèo, thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Về phương pháp, cần tìm ra những cách thức để khơi dậy khát vọng, động lực khởi sự một hoạt động kinh doanh trong tương lai gần của người dân tộc thiểu số, đồng thời tạo môi trường hỗ trợ khởi sự kinh doanh, nhất là các yếu tố đang rất thiếu với đồng bào, đó là vốn, thông tin, thị trường tiêu thụ sản phẩm, kỹ năng quản trị, kỹ năng nghề…

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, đến 2020, 82% người nghèo của Việt Nam sẽ là người dân tộc thiểu số. Con số này cho thấy cần phải có những nỗ lực lớn hơn trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở nhóm người dân tộc thiểu số.

Kỳ vọng trong thời gian tới, sẽ có 100 mô hình khởi nghiệp của người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh thông điệp: “Hãy nuôi dưỡng khát vọng kinh doanh, tự tin, phát huy nội lực, chia sẻ thông tin kết nối, hợp tác, hành động”. Thông điệp này của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã nhận được sự hưởng ứng của 16 đối tác trong và ngoài nước cam kết chung tay hỗ trợ đồng bào khởi nghiệp.

 Với mục tiêu “Không bỏ ai lại phía sau”, tại Diễn đàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và ông Achim Fock - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp là giải pháp để Ủy ban Dân tộc đưa nghị quyết của Đảng và tinh thần hành động của Chính phủ vào thực tế cuộc sống, vì mục tiêu phát huy nỗ lực, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

XT

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành