Nuôi gà Mông thương phẩm - hướng đi mới cho xã vùng cao
Từ tháng 6/2015 xã Nậm Loỏng phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố Lai Châu triển khai mô hình chăn nuôi gà Mông thương phẩm cho 20 gia đình. Hiện, đàn gà sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tại địa phương. Mô hình bước đầu được đánh giá là thành công, mở hướng thoát nghèo cho người dân xã Nậm Loỏng.
Đặc điểm địa hình tự nhiên khiến cho xã Nậm Loỏng thường
xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất nên bà con nông dân chỉ
trồng được 1 vụ lúa mùa trong năm. Toàn xã có 477 hộ, trong đó chủ yếu là đồng
bào dân tộc Mông với 389 hộ. Hiện xã còn 33 hộ nghèo, 18 hộ gia đình cận nghèo.
Trong những năm qua, việc tìm hướng thoát nghèo cho bà con trong xã luôn được
cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, trăn trở.
Anh Bùi Minh Tú – Phó Trưởng Trạm Khuyến nông thành phố cho
biết: “Nhằm giúp bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đem lại nguồn thu, Trạm đã
chọn xã Nậm Loỏng thực hiện mô hình chăn nuôi gà Mông thương phẩm. Mỗi hộ tham
gia mô hình được cấp 100 con gà giống, hỗ trợ tấm lợp, lưới B40 và thức ăn thời
kỳ đầu cho đàn gà và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn gà”.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, giúp người nông dân có kế sinh
nhai, tiến tới giảm nghèo bền vững, sau khi triển khai, cán bộ kỹ thuật Trạm
phối hợp với cán bộ xã, phụ trách bản thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn
bà con dựng chuồng trại, trải trấu, thắp điện sáng đảm bảo diện tích và không
gian, môi trường sống cho đàn gà. Trong đó, khâu thiết kế nền chuồng tránh việc
đàn gà bị lạnh do tiếp xúc trực tiếp với mặt đất được đặc biệt quan tâm, chú ý.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăn nuôi, tỷ lệ đàn gà sống đạt trên 90%. Sau
hơn 3 tháng thực hiện, mô hình chăn nuôi gà Mông thương phẩm tại xã Nậm Loỏng đã
đạt những tín hiệu khả quan.
Là một trong những gia đình tham gia mô hình chăn nuôi gà
Mông thương phẩm, anh Thào A Nhà, bản Gia Khâu 1 chia sẻ: “Trước đây gia đình
tôi nuôi gia cầm nhưng thả tự do cho chúng tự tìm thức ăn trên các sườn đồi,
không chú ý đến việc chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà đúng phương pháp nên chăn
nuôi thường xuyên gặp rủi ro về dịch bệnh. Được chọn tham gia mô hình, nhận gà
giống mới 21 ngày tuổi về nuôi, tôi lo lắng lắm bởi giai đoạn này gà còn nhỏ nên
sức đề kháng rất yếu. Được cán bộ khuyến nông cung cấp chất điện giải, thuốc
phòng bệnh tiêu hóa, hô hấp cho gà con và hướng dẫn tận tình cách phát hiện
phòng ngừa một số loại bệnh mà đàn gà thường gặp, tôi làm theo, nhờ đó đàn gà đã
phát triển tốt. Hiện trung bình đàn gà gia đình tôi có trọng lượng từ 1,3 –
2kg/con. Nhiều thương lái trên địa bàn thành phố đã đến gia đình đặt mua với giá
130.000 đồng/kg”.
Cùng bản với anh Nhà, ông Má A Sao tâm sự: “Tham gia mô hình
ban đầu gia đình tôi cũng gặp khó khăn trong việc chăm sóc, phòng bệnh cho đàn
gà. Nhưng được sự quan tâm của các cán bộ chuyên môn đến nay đàn gà của gia đình
tôi sinh trưởng tốt. Sau khi kết thúc mô hình, tôi vẫn tiếp tục nuôi gà sinh sản
lấy trứng bán ra thị trường, mở rộng quy mô chăn nuôi. Mô hình là hướng đi mới
thoát nghèo cho nông dân trong xã”.
Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm giống gà Mông đã chuyển giao
được kỹ thuật chăn nuôi gà thương phẩm và công tác vệ sinh phòng bệnh tới các hộ
chăn nuôi. Từ đó tạo thành mô hình trình diễn điểm để Nhân dân nhân rộng quy mô
đàn gà trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, giúp các hộ chăn nuôi
tận dụng tốt các nguồn phụ phẩm nông nghiệp; lựa chọn được giống gia cầm mang
lại hiệu quả kinh tế cao, chăn nuôi tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường xung
quanh, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thời gian tới, chính quyền địa phương xã Nậm Loỏng, Trạm
Khuyến nông thành phố tiếp tục tuyên truyền tới người dân về hiệu quả của mô
hình, đồng thời khuyến khích các hộ tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ra toàn xã,
từng bước hình thành khu vực sản xuất hàng hóa đặc trưng của vùng. Đặc biệt là
tạo điều kiện về vốn để các hộ gia đình có thể tiếp tục chăn nuôi dưới nhiều
hình thức.