Ở bản triệu phú người Mông

Về xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai lần này, chúng tôi gặp già làng Thào Minh, 60 tuổi, ở bản Cốc Phương. Gia đình ông là một trong nhiều hộ người Mông, đã giàu lên từ trồng chuối, dứa xuất khẩu.

Buổi sáng một ngày cuối đông, nắng ấm đã hửng lên, chúng tôi lên chiếc xe dã chiến của Đồn Biên phòng 247 nhằm hướng bản Cốc Phương nằm cuối cùng ở rẻo bảy thôn biên giới của xã vùng sâu Bản Lầu, huyện Mường Khương.

Con đường tuần tra biên giới láng nhựa mịn, xuyên qua những nương chuối, đồi dứa bạt ngàn đang kỳ ươm quả, đưa chúng tôi đến nhà Giàng Chúng, mới ngoài 30 tuổi, trưởng thôn Cốc Phương, nơi có 43 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Câu chuyện làm ăn nở như ngô rang bên ấm trà Tuyết Shan nóng hổi trong ngôi nhà khang trang còn thơm mùi sơn mới. Xòe hai bàn tay chai sần, Giàng Chúng bảo: "Kể tên người Mông ở bản này có từ 100 triệu đồng trở lên thì nhiều lắm, gần hết cả bản rồi; bấm đốt hết hai bàn tay này cũng không hết đâu". Nói rồi, Giàng Chúng giở sổ ghi rõ: Vụ chuối, dứa năm 2014, nhà Thào Dìn thu hơn 1,2 tỷ đồng, nhà Thào Thắng thu 800 triệu đồng, nhà Hoàng Phà thu 700 triệu đồng; tổng số có khoảng 30 hộ thu hơn 100 triệu đồng từ bán chuối và dứa xuất khẩu. Giàng Chúng phấn khởi: "Cả bản Cốc Phương từ bốn năm nay không còn hộ đói, chỉ có duy nhất hộ Ma Seo Súng, là xếp diện hộ nghèo vì mới lấy vợ ra ở riêng".

Ngược thời gian gần 10 năm về trước, Cốc Phương là vùng đất bỏ hoang, lau lách ngút đầu người, không có đường giao thông, chứ đừng nói đến điện, trường học, trạm y tế khang trang như bây giờ. Đảng và Nhà nước có Chương trình 135, 134 nhằm hỗ trợ các xã vùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số, định canh, định cư ở vùng biên giới gồm bảy thôn của xã Bản Lầu. Để thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp ủy và chính quyền huyện Mường Khương đưa các hộ người Mông ở vùng núi đá Dìn Chin, Pha Long, Tả Gia Khâu "hạ sơn" xuống Bản Lầu lập nghiệp. Để giúp bà con sinh sống, lập nghiệp trên vùng đất mới, tỉnh và huyện hỗ trợ phương tiện di chuyển nhà ở; trợ cấp tiền; gạo và giống cây trồng, phân bón để sản xuất. Nhà nước giao đất, giao rừng cho bà con canh tác và chăm sóc bảo vệ rừng, "lấy ngắn nuôi dài", tạo sinh kế bền vững. Thông qua các chương trình 134 hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình 135 hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn của Đảng và Nhà nước, con đường nhựa rộng rãi, nối từ trung tâm xã Bản Lầu chạy xuyên suốt bảy thôn biên giới từ Đồi Gianh, Pạc Bo, qua bốn thôn có tên Na Lốc và Cốc Phương, nối với xã Nậm Chảy; điện lưới quốc gia đến từng nhà - Đó là chìa khóa mở cánh cửa thông thương, tiếp cận với thị trường, với cuộc sống mới bên ngoài, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu. Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu Đỗ Duy Phiên cho biết: Năm năm qua, các cấp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước hợp vệ sinh... giúp đồng bào dân tộc Mông ở vùng biên giới, có điều kiện sản xuất ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách vững chắc.

Ở Cốc Phương ai cũng biết tiếng già làng Thào Minh, người đã đi làm thuê không công để học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dứa trên đất dốc, cho năng suất cao, chất lượng tốt để xuất khẩu, làm nên thương hiệu dứa Cốc Phương. Ngoài cây dứa, già làng Thào Minh còn học cách trồng chuối mô, mở thêm hướng làm giàu từ loại cây này. Vụ chuối, dứa năm 2014, gia đình Thào Minh có khoảng 12 ha, cho thu nhập hơn 800 triệu đồng. Trong nhà Thào Minh có đủ ti-vi, tủ lạnh loại cao cấp, ông cũng vừa sắm chiếc xe ô-tô tải, loại 4,5 tấn phục vụ sản xuất, chở sản phẩm thu hoạch đi bán. Chúng tôi đến nhà đảng viên trẻ Thào Thắng kế bên. Theo gương người cha là Thào Minh, anh đã làm chủ quy trình canh tác chuối, dứa trên đất dốc bạc màu; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và tiến bộ sinh học trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, được Trung ương Đoàn tặng thưởng danh hiệu Lương Định Của. Ở Cốc Phương, ai cũng học theo Thào Dìn cách trồng chuối, dứa rải vụ để có nguồn thu quanh năm, tránh bị ép giá, nâng cao thu nhập. Thào Dìn còn lập HTX thu mua sản phẩm, cung cấp vật tư nông nghiệp giá rẻ, trả chậm cho bà con có điều kiện mở rộng và thâm canh, tăng năng suất, chất lượng chuối, dứa xuất khẩu và bán cho các nhà máy chế biến trong nước. Đời sống kinh tế ổn định, đồng bào dân tộc Mông ở Cốc Phương và sáu thôn biên giới ký kết cam kết với Đồn biên phòng 247 nhận bảo vệ 10 cột mốc, với 13,5 km đường biên giới, bảo đảm an toàn và vững chắc phên giậu Tổ quốc.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành