Ổn định đời sống cho đồng bào

Anh Nay Lập, Trưởng buôn Ea Kal cho biết, đây là vùng đất quá xấu, đồng bào không thể canh tác được, mùa mưa nước dâng cao, nhiều buôn bị cô lập với bên ngoài.

Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đầu tư nhiều dự án để ổn định, định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng qua kiểm tra, có nhiều dự án kém hiệu quả, không những gây lãng phí lớn tiền bạc của Nhà nước mà đời sống đồng bào vẫn chưa được cải thiện.

Ngay tại 5 buôn thuộc khu tái định cư của xã vùng sâu Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) gồm: Ea Nông A, Ea Nông B, Cư Kruê, Cư Knia, Ea Kal, với 1.725 hộ đồng bào dân tộc Êđê, Ja rai... được tỉnh đầu tư xây dựng, cấp mỗi hộ một ngôi nhà có diện tích 28 m2, với 400 m2 đất thổ cư và tùy theo số nhân khẩu còn được cấp thêm từ 3 - 4 sào đất sản xuất.

Tuy nhiên, do hầu hết diện tích đất thổ cư, đất sản xuất của vùng này đều là đất xấu, cằn cỗi, thiếu các công trình thủy lợi, nên mưa thì ngập úng, nắng thì khô cháy, trong khi đó, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả, không có vốn để đầu tư, nên phần đông đồng bào bỏ khu tái định canh, định cư mới này.

Anh Nay Lập, Trưởng buôn Ea Kal cho biết, đây là vùng đất quá xấu, đồng bào không thể canh tác được, mùa mưa nước dâng cao, nhiều buôn bị cô lập với bên ngoài. Còn mùa nắng, sản xuất được vụ đông xuân, nhưng trả tiền cho trạm bơm quá cao 120.000 đồng/sào/vụ, nên làm quanh năm không đủ ăn, đành bỏ buôn mới, gia đình tiếp tục sống du canh du cư.

Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu tái định cư còn gặp nhiều khó khăn

Tại khu tái định cư mới thôn Giang Đông của đồng bào Mông, ở xã vùng sâu Ea Đáh (huyện Krông Năng), mỗi hộ được cấp một nhà ở có diện tích 24 m2 và 1.000 m2 đất thổ cư, 5.000 m2 đất sản xuất. Cơ sở hạ tầng đầy đủ gồm hệ thống điện, các công trình cấp nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng...

Tuy nhiên, cũng do vùng đất cằn cỗi, đồng bào bỏ khu tái định cư mới quay về sinh sống tại tiểu khu rừng 342 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng.

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Đáh, Cao Kỳ Tuyết, việc người dân bỏ khu tái định cư mới quay về tiểu khu rừng 342 không chỉ gây lãng phí hàng chục tỷ đồng của Nhà nước mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như gia tăng tình trạng đói nghèo (hầu hết là hộ nghèo), bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội khác.

Từ thực tế trên, tỉnh Đắk Lắk khi tiến hành quy hoạch các khu định canh, định cư mới, nhất là hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cần quan tâm hỗ trợ những vùng không bị thoái hóa, bạc màu, thuận lợi trong sản xuất và được đầu tư đồng bộ các cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi để đồng bào yên tâm sản xuất, ổn định nơi ở mới, góp phần từng bước nâng cao đời sống của bà con. Trước mắt, tỉnh tiếp tục đầu tư 211 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư mới tại tiểu khu 342 cho 605 hộ đồng bào Mông ở xã Ea Đáh (huyện Krông Năng), tạo điều kiện giúp đồng bào yên tâm nơi ở mới, đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành