Phát huy nội lực giảm nghèo

Biết cách tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, 23 hộ dân tộc Dao ở bản Khèo Thầu (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi hiệu quả.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Phàn A Náy - Trưởng bản Khèo Thầu chia sẻ: “Hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước cộng với sự cần cù, chịu khó đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đưa giống mới vào sản xuất, mấy năm trở lại đây Khèo Thầu trở thành điểm sáng của xã về xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, bản còn 13 hộ nghèo (theo tiêu chí nghèo đa chiều), bà con đoàn kết thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Theo lời kể của Trưởng bản Phàn A Náy, năm nay là năm đầu tiên 9 hộ dân trong bản tham gia mô hình trồng 4ha cây sa nhân do Ban Quản lý rừng phòng hộ và Trạm Khuyến nông huyện triển khai. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Được biết, sa nhân là cây dược liệu quý lần đầu tiên được trồng ở xã Thèn Sin (huyện Tan Đường) có nhiều tác dụng đối với sức khỏe: hỗ trợ tiêu hóa, trị đau dạ dày, phòng tê thấp, sốt rét, đau răng. Ngoài ra, sa nhân còn được dùng làm gia vị, hương liệu để sản xuất xà phòng, dầu gội đầu, được xuất khẩu đến nhiều nước. Sau 2 năm cây sẽ bắt đầu cho quả. Với giá bán trên thị trường khoảng 15.000 đồng/kg sa nhân tươi và 160.000 - 180.000 đồng/kg sa nhân khô, đây sẽ là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, việc trồng sa nhân dưới tán rừng còn chống xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước, tăng độ phì nhiêu cho đất.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phàn A Cáu cho biết: “Khi cán bộ xã xuống tuyên truyền, vận động bà con đăng ký trồng cây sa nhân, tôi cũng mạnh dạn tham gia với diện tích 0,4ha. Hiện gia đình trồng xong, hy vọng sau 2 năm chăm sóc cây sẽ cho thu quả”.

Để vươn lên thoát nghèo, bà con tập trung phát triển chăn nuôi trâu, dê, lợn theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, tận dụng quỹ đất quanh nhà, bờ ruộng trồng cỏ voi, xây dựng chuồng trại kiên cố. Nhờ vậy, nhiều năm nay bản không có dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đến nay bản Khèo Thầu có 80 con trâu, 40 con dê, 400 con lợn, hơn 1.000 con gia cầm. Nguồn thu từ chăn nuôi hàng năm mang lại giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống.

Ở bản Khèo Thầu, ai cũng biết mấy năm trước cuộc sống của gia đình anh Phàn A San rất khó khăn. Với sự cần cù, chịu khó cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước về cây, con giống, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng chăn nuôi. Hiện nay, gia đình anh có 20 con lợn, 100 con gà, 30 con chim bồ câu, 6 con trâu, trừ chi phí thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

Tận dụng lợi thế từ đồng đất, bà con trong bản còn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa, ngô lai năng suất cao vào gieo trồng. Với 25ha ruộng, bà con chủ yếu gieo trồng lúa lai nghi hương, thục hưng, hương thơm, năng suất đạt 55 tạ/ha. Với những diện tích thiếu nước, bà con chuyển đổi sang thâm canh cây ngô (từ 1 vụ đến nay đã làm được 3 vụ ngô với diện tích 25ha, năng suất đạt 45 tạ/ha). Tập trung mở rộng diện tích trồng cây ăn quả như: mận, đào cũng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con bản Khèo Thầu.

Từ những chuyển biến về kinh tế, diện mạo nông thôn của bản ngày càng khởi sắc, đường giao thông được bê tông hóa, các ngôi nhà xây dựng khang trang, nhiều hộ mua được tivi, tủ lạnh, xe máy phục vụ đời sống sinh hoạt. Đặc biệt, làm tốt công tác tuyên truyền, từ năm 2008 đến nay, bản không có trường hợp sinh con thứ 3. Các hộ trong bản đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới…

Có được kết quả trên ngoài sự nỗ lực, cố gắng vươn lên thoát nghèo của bà con dân bản còn phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã Hồ Thầu.

Thời gian tới, thực hiện mục tiêu phấn đấu mỗi năm bản giảm từ 2 - 3 hộ nghèo, theo ông Quách Tá Thiện - Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu: Xã sẽ tăng cường cán bộ xuống giúp đỡ các hộ nghèo theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” để hướng dẫn bà con thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương. Đồng thời, tận dụng nguồn vốn từ các chương trình 135, WB hỗ trợ bà con cây, con giống, đầu tư đường giao thông nông thôn, thủy lợi… làm tiền đề giúp bà con ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương mình.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành