Quảng Ngãi: Triển khai nhiều dự án giảm nghèo vùng miền núi

Thông qua các chính sách dân tộc, đời sống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi ngày càng được cải thiện. Nhưng hiện nay, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh còn khá cao.

Vì vậy, từ nay đến năm 2020; tỉnh Quảng Ngãi sẽ kết hợp các chương trình, dự án dành cho đồng bào miền núi để giúp các địa phương thoát nghèo một cách bền vững.

Tại huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, những con đường mới, những trụ sở làm việc, các cơ sở mới dần được hình thành. Với địa phương này, để xóa đói giảm nghèo bền vững, ngoài việc lựa chọn các mô hình kinh tế hiệu quả, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ cho các huyện miền núi, Tây Trà luôn giành một nguồn kinh phí nhất định để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như cấp vốn cho các xã phát triển kết nối thị trường, tìm kiếm doanh nghiệp thu mua sản phẩm, ký kết thỏa thuận giữa các bên cung cấp dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào các dân tộc. Đây cũng là xu hướng lựa chọn các loại hình đầu tư cho miền núi của tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Ông Hoàn Anh Ngọc – Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết:"Sắp tới là chúng tôi sẽ cùng với huyện và tranh thủ cấp nguồn vốn và chương trình, dự án, chương trình 135, chương trình 30a, chương trình 167. Tất cả các chương trình về dân tộc miền núi, chúng tôi sẽ tiếp tục để mà đầu tư các thôn Nước Nia để dân ở đây có điều kiện phát triển kinh tế xã hội".

Ông Hồ Văn Thế - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Trong năm 2015, sau khi thực hiện bước đầu sẽ hỗ trợ vấn đề xây dựng thôn, trụ sở làm việc, trường học, đào tạo một số các chương trình, ưu tiên nhất ở đây phải là chương trình cử tuyển".

Hiện nay, mỗi xã miền núi nằm trong Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên và một số địa phương miền núi ở miền Trung, mỗi năm, được cấp khoảng 20 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, sinh kế… Điểm mới của dự án giảm nghèo này là bên cạnh việc chú trọng phát triển sinh kế cho người dân, công tác nâng cao năng lực và truyền thông cũng được quan tâm đầu tư. Các xã đều có hướng dẫn viên cộng đồng và cán bộ quản lý để giám sát thực hiện dự án. Vì vậy, dự án được kỳ vọng sẽ mang đến hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi nhận định: "Những chính sách này vào đã góp phần lớn trong vấn đề mà phát triển kinh tế - xã hội cũng như về an ninh quốc phòng của các huyện miền núi, tốc độ tăng trưởng của các huyện miền núi tăng qua các năm, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rất nhiều. Do đó, chúng ta cần xây dựng mục tiêu giảm nghèo bền vững, coi nông lâm nghiệp là một trong những mũi nhọn trong phát triển về kinh tế, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để đồng bào phát triển sản xuất, tăng thu nhập".

Hiệu quả của các mô hình, sinh kế hỗ trợ cải thiện đời sống cho người dân ở miền núi mang lại trong công cuộc giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình mang lại hiệu quả, vẫn còn không ít những mô hình hiệu quả mang lại so với nguồn lực đầu tư còn quá khiêm tốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, vẫn cần sự nỗ lực hành động của cả hệ thống chính trị bằng những chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù, các giải pháp đồng bộ phù hợp với vùng, miền cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân miền núi để vực dậy kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống, hướng tới giảm nghèo bền vững.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành