Sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135 vươn lên thoát nghèo

Từ nguồn vốn của Chương trình 135, gia đình ông Nguyễn Đức Trọng, dân tộc Tày, thôn Đội 5, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã vận dụng nuôi trâu sinh sản. Đến nay, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá, hơn nữa bản thân ông đang giúp nhiều hộ khó khăn khác trong vùng vươn lên thoát nghèo.

Tiên phong, tại sao không?

Chia sẻ về câu chuyện thoát nghèo của mình, ông Nguyễn Đức Trọng cho biết, năm 2005, người dân thôn ông được cán bộ huyện về phổ biến chương trình hỗ trợ sản xuất theo chương trình 135. Trên cơ sở đó, ông Trọng đã đề xuất một hướng đi mới là nuôi trâu sinh sản. Sau khi thuyết phục được cán bộ huyện và vay vốn từ nhiều người thân, ông Trọng có trong tay 50 triệu đồng. Với số tiền này, ông đã quyết định mua cặp trâu sinh sản.

Ông Trọng tâm sự, lúc đầu mở hướng nuôi trâu sinh sản bản thân ông gặp rất nhiều khó khăn do trong xã chưa có hộ nào nuôi trước. Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng, tại sao cứ phải trông chờ vào người khác? Người dân quê ông bao năm nay cứ quanh quẩn với lối sản xuất cũ mà có ai thấy phát triển gì đâu? Nghĩ vậy, ông đã quyết định làm cho bằng được.

Quyết tâm là vậy, xong khi bắt tay vào công việc, ông Trọng tỏ ra khá lúng túng do thiếu kinh nghiệm sản xuất. Ở quê ông đất đai rất khô cằn, khí hậu lại khắc nghiệt nên nguồn thức ăn cho trâu không ổn định. Để khắc phục điều đó, sau khi tìm hiểu nhiều nơi, năm 2006, ông đã tự tay cải tạo hơn 1.000m2 đất đồi để trồng cỏ làm thức ăn, nhờ đó đàn trâu nhà ông luôn có đầy đủ nguồn thức ăn mà không cần phải chăn thả.

Từ cặp trâu ban đầu, gia đình ông đã nhân rộng phát triển đàn trâu lên tới gần 20 con. Sau 3 năm tập trung chăn nuôi gia đình ông đã thoát khỏi hộ nghèo tạo được việc làm ổn định. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu nhập  trung bình từ 100 đến 130 triệu đồng.

Cùng nhau vượt khó

Khi đã thoát nghèo và có của ăn, của để, ông Nguyễn Đức Trọng còn quay trở lại giúp đỡ những người khác trong thôn mình. Từ năm 2008, khi ông đã trả hết nợ và có 5 cặp trâu sinh sản, ông quyết định cho các hộ nghèo trong thôn mượn để nuôi rẽ. Các hộ này sẽ chịu trách nhiệm nuôi cặp trâu của ông Trọng cho đến khi trâu đẻ ra nghé, lấy nghé nuôi rồi trả trâu cho chủ cũ. Với cách làm này, ông Trọng đã giúp cho 6 hộ của thôn có nghé để nuôi.

Trong các hộ gia đình ông Trọng giúp, ông ấn tượng nhất là gia đình người Mông Lý Seo Khỏa. Anh Khỏa năm nay mới ngoài 20 tuổi nhưng đã có vợ và 3 con. Trước đây, Khỏa rất lười làm, suốt ngày say rượu. Tuy nhiên, sau nhiều lần khuyên ngăn, năm 2015, ông Trọng còn cho gia đình Khỏa mượn trâu nuôi rẽ. Được ông Trọng thuyết phục, lại có lưng vốn làm ăn, đến nay anh Khỏa đã chí thú làm ăn, bỏ hẳn rượu chè, gia đình cũng từng bước vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ giúp các hộ dân nuôi rẽ, năm 2015, để chủ động nâng cao chất lượng cho đàn trâu, ông Trọng đã lặn lội đi gần 30 cây số sang xã Trung Thành cùng huyện nơi có lễ hội chọi trâu để tìm mua con trâu đực khỏe nhất về làm giống. Con trâu mộng này không chỉ phối giống cho đàn trâu của ông, mà bất cứ hộ nào trong thôn có nhu cầu, ông đều giúp miễn phí.

Nói về hộ gia đình ông Nguyễn Đức Trọng, ông Phạm Đức Chúng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh đánh giá, xã Ngọc Linh là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 49%. Điều kiện tự nhiên của xã rất khó khăn, khắc nghiệt, đất đai khô cằn, thiếu nước trầm trọng nên trồng cây gì cũng khó. Trong điều kiện đó, gia đình ông Nguyễn Đức Trọng là một trong những người nông dân tiêu biểu của xã. Ông Trọng đã rất mạnh dạn sáng tạo, chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa bằng cách chăn nuôi trâu sinh sản.Là người đi tiên phong với những thành công nhất định, ông Trọng đã truyền kinh nghiệm cho nhiều hộ đi theo. Hiện nay, trên địa bàn xã Ngọc Linh, trâu trở thành vật nuôi chủ đạo với 2186 con. Hiện nay, Ngọc Linh đang hình thành một vùng chuyên cung cấp thịt trâu cho nhiều địa phương khác.

          “Chúng tôi hy vọng rằng với hướng đi này sẽ còn giúp nhiều hộ đồng bào DTTS trong xã thoát nghèo hơn nữa, đây cũng là cách để biến những khó khăn thách thức của địa phương thành một cơ hội phát triển” – ông Phạm Đức Chúng nhấn mạnh.

Xuân Thường

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành