Sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 hiệu quả theo hướng hỗ trợ sản xuất theo nhóm hộ
Vận dụng nguồn vốn của Chương trình 135 trong hỗ trợ phát triển sản xuất, từ năm 2015, Phòng Dân tộc huyện Yên Thủy(tỉnh Hòa Bình) đã thực hiện hỗ trợ theo các nhóm hộ trong việc cấp con giống. Mô hình sáng tạo này bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo.
Vừa đưa tay vuốt
ve con bê mới sinh được cách đây 3 ngày, bà Bùi Thị Tẻm, ở xóm Nhuội, xã Đa
Phúc, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình vui vẻ cho biết, đây là thành quả lao động của
gia đình khi tham gia chương trình 135. Để tham gia chương trình này, ngay từ đầu năm 2015, gia đình bà Tẻm cùng gia đình
bà Trương Thị Thắm và ông Bùi Văn Hiến
đã cùng đăng ký vào nhóm hộ để nhận bò từ chương trình. Sau khi nhận bò,
mỗi hộ gia đình thay nhau chăm sóc cho đến khi bò đẻ ra bê, lấy bê nuôi rồi
chuyển sang hộ khác. Sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” con bò sẽ lại được chuyển
sang nhóm hộ mới để tiếp tục giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Cùng chung niềm
vui với gia đình bà Tẻm, ông Bùi Văn Giành, ở xóm Bái cũng từng được hưởng lợi
từ chương trình chia sẻ, năm 2015 ông là người đầu tiên trong nhóm hộ được nhận
bò. Năm 2016, con bò này đã đẻ được một con bê, sau đó nhờ chăm sóc tốt gia
đình ông đã thoát nghèo và mua thêm 2 con trâu. Ông Giành hy vọng thông qua việc chăn nuôi gia súc
sẽ giúp kinh tế gia đình phát triển bền vững.
Ông Trần Văn
Hoan, Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết, xã Đa Phúc là xã đặc biệt khó khăn của
huyện Yên Thủy. Trong những năm qua xã thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của
chương trình 135, tuy nhiên từ 2014 trở về trước cán bộ cùng người dân loay
hoay với cách làm giảm nghèo. Khi bắt đầu tham gia hợp phần hỗ trợ sản xuất,
người dân chủ yếu nhận hỗ trợ theo hộ gia đình nên rất manh mún nhỏ lẻ. Tuy
nhiên từ năm 2015, qua tham vấn từ người dân và sự hướng dẫn của ngành dân tộc,
xã Đa Phúc đã tham gia hợp phần hỗ trợ sản xuất theo từng nhóm hộ. Cứ 3 hộ tạo
thành một nhóm để nhận hỗ trợ một con bò. Các hộ này đã thay nhau chăm sóc bò,
đến khi bò đẻ ra bê, nhận nuôi bê rồi chuyển sang cho hộ khác. Theo đó, trong
năm 2015, xã Đa Phúc thành lập được 13 nhóm hộ nhận 13 con bò, năm 2016, thành
lập 10 nhóm hộ nhận 10 con bò. Đến nay, đã có 3 hộ tham gia chương trình thoát
nghèo gồm gia đình ông Bùi Văn Giành, Bùi Văn Vựng, Bùi Thị Ôn.
Ông Bùi Văn Hồng,
Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Yên Thủy cho biết, nhận thấy hợp
phần hỗ trợ sản xuất trước đây theo hộ gia đình nguồn vốn bị phân tán, nhỏ giọt
nên từ năm 2015, phòng dân tộc đã áp dụng thí điểm mô hình hỗ trợ theo nhóm hộ.
Cụ thể, Mô hình đã hỗ trợ bò cho nhóm hộ tại các xã Đa Phúc, Bảo Hiệu; hỗ trợ
đàn ong cho nhóm hộ ở xã Lạc Sỹ. Cách làm mới này bước đầu đã tạo ra hiệu ứng
tích cực. Người dân đã chủ động hơn trong việc tham gia phát triển sản xuất từ
đó góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Qua gần 3 năm
triển khai hỗ trợ sản xuất theo nhóm hộ, phòng dân tộc nhận thấy, đây là cách
làm phù hợp nên đã nhân rộng ra toàn huyện. Cụ thể trong năm 2017, phòng dân tộc
đã trình phương án hỗ trợ sản xuất theo
nhóm hộ ở tất các các xã. Dự kiến trong năm 2017, mỗi xã
vùng III được hưởng 200 triệu đồng từ hợp phần hỗ trợ sản xuất. Trong
đó, xã Lực Hưng hỗ trợ 6 nhóm hộ (179 hộ)
với khối lượng 3100 con gà; xã Lạc Sỹ hỗ trợ 3 nhóm hộ (40 hộ) với 18 con dê;
xã Đàn kết hỗ trợ 4 nhóm hộ (174 hộ) với 2900 con gà; xã Hữu Lợi hỗ trợ 6 nhóm
hộ (150 hộ) với 4200 con gà, xã Bảo Hiệu được hỗ trợ 5 nhóm hộ (75 hộ) với 9500
con gà, xã Đa Phúc hỗ trợ 11 nhóm hộ (33 hộ) với 58 con bò, xã Lạc Lương hỗ trợ
8 nhóm hộ (120 hộ) với 5200 con gà…
XT