Tạo động lực để giảm nghèo bền vững

Nhờ triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bền vững”, nông dân huyện Mường Tè từng bước giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Qua câu chuyện với ông Trần Văn Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Tè chúng tôi được biết: “Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bền vững” là động lực để nông dân trong toàn huyện khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Do vậy, Hội đã chủ động tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của phong trào đến từng chi hội và hội viên, vận động hội viên đưa giống cây, con mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất; áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ nhằm tăng thu trên một đơn vị diên tích. Tổ chức cho hội viên đăng ký thực hiện, đồng thời có nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế”.

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành mở trên 30 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật và khuyến nông cho trên 650 lượt người; phối hợp mở 5 lớp đào tạo nghề cho 150 lao động nông thôn, trong đó chủ yếu tập trung vào nghề trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề. Để nông dân có vốn để sản xuất, Hội đã đứng ra ký kết hợp đồng nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp huyện và sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền trên 54 tỷ đồng cho 3.579 lượt hộ nông dân vay và sử dụng quỹ hỗ trợ hàng năm huy động gửi tiền tiết kiệm đạt 60%. Từ các nguồn vốn các hộ nghèo có điều kiện để đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo ông Lý Lù Cà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thu Lũm thì với nông dân nghèo, vốn vay sẽ là đòn bẩy để nông dân thoát nghèo, điều này được chứng minh bằng hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nông dân xã Thu Lũm những năm qua. Ở xã, Hội Nông dân hiện là 1 trong 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, phụ trách 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 8 bản, triển khai 6 chương trình cho vay tín dụng với tổng dư nợ hàng tỷ đồng. Với mức cho vay từ 30 – 50 triệu đồng/hộ mà bà con có thêm điều kiện để đầu tư nuôi trâu, chăm sóc rừng thảo quả, trồng sả. Không chỉ trả hết nợ ngân hàng, nhiều gia đình còn phát triển nuôi trâu thành trang trại, một số nhà mua được xe công nông để vận chuyển nông sản, các cháu học sinh đi học chuyên nghiệp mà nhà chưa có điều kiện được vay vốn đi học. Đến nay, toàn xã còn khoảng 29 % hộ nghèo, thấp hơn tỷ lệ chung của toàn huyện.

Người dân bản Thu Lũm, xã Thu Lũm chăm sóc cây sả

Nhờ đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bền vững” ngày càng thu hút được đông đảo hội viên nông dân tham gia. Trên địa bàn toàn huyện ngày càng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của anh Vàng Văn Sung ở bản Pờ Sa, xã Pa Vệ Sủ có trên 40 con trâu, bò, dê. Để đàn gia súc phát triển tốt, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân huyện tổ chức, chủ động thu gom rơm rạ sau thu hoạch, chất thành cây để dự trữ thức ăn cho mùa đông. Đồng thời làm chuồng trại, che chắn cẩn thận, vệ sinh sách sẽ. Vào mùa đông thì cho gia súc ăn thêm nước muối, bổ sung bột ngô và đốt lửa để sưởi ấm. Do đó đàn gia súc nhà anh phát triển ổn định. Từ tiền bán gia súc, anh mua sắm được nhiều thiết bị trong gia đình, cho con cái đi học và một phần tích lũy làm giàu. Hay như mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng của anh Lường Văn Bằng tại bản Nà Lang (xã Bum Nưa), vừa chăn nuôi lợn, trồng rau và đào ao thả cá cho thu nhập bình quân một năm từ 60 đến 70 triệu đồng… Ngoài ra, còn có mô hình trồng rau xanh, chăn nuôi trâu, bò, trồng thảo quả, tăng vụ lúa đông xuân… tại các xã Bum Nưa, Mường Tè, Ka Lăng, Thu Lũm… Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 56,8% (năm 2011) xuống còn 43,4% (năm 2014).

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện, toàn huyện hiện có gần 300 hộ có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Quan trọng hơn là từ hiệu quả mà phong trào mang lại nông dân có điều kiện cải thiện đời sống vật chất tinh thần và có thêm nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Đồng thời là tiền đề để Hội Nông dân huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào trong giai đoạn tiếp theo.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành