Tập trung nguồn lực để giải quyết dứt điểm những “lõi nghèo”, không bỏ ai lại phía sau

Theo kết quả phân tích thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS của Ủy ban Dân tộc (UBDT), nếu tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân 4% theo Quyết định 1557/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 thì có 3 DTTS phải 20 năm nữa mới thoát nghèo; Hiện vẫn còn 6 DTTS có tỷ lệ mù chữ lên tới 50% dân số…

Chính sách nhiều, nghèo vẫn nghèo

Sau nhiều năm triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, hiện ở vùng DTTS và miền núi không còn có những gia đình lâm vào cảnh nghèo cùng cực. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo cao vẫn là một thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Như dân tộc Ơ Đu, một trong 5 DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An và cũng là một trong 5 dân tộc ít người ở Việt Nam có dân số dưới 1.000 người. Do cuộc sống khép kín, sống ở vùng sâu, vùng xa, tập quán lạc hậu, đời sống kinh tế của người Ơ Đu rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo kết quả phân tích của UBDT, tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Ơ Đu hiện chiếm 66,3% dân số.

Nhưng Ơ Đu không phải là dân tộc có tỷ lệ nghèo cao nhất trong 53 DTTS. Theo kết quả phân tích của UBDT, người La Hủ hiện là cộng đồng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, với 83,9% dân số. Cùng với đó là dân tộc Mảng, tỷ lệ hộ nghèo cũng chiếm 79,5% dân số.

Cả hai cộng đồng DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao ngất ngưởng này đều sinh sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ai từng lên Lai Châu, đến những vùng người La Hủ, người Mảng sinh sống mới thấu hiểu được cuộc sống khó khăn nơi đây. Cái đói, nghèo, lạc hậu đang bủa vây lấy vùng đất này. Nhà cửa dột nát, xiêu vẹo không khác gì những lán nương; đất canh tác thiếu, cằn cỗi; nguồn lương thực không đủ đáp ứng nhu cầu, nhất là vào mùa giáp hạt, nhiều hộ phải lên nương, rẫy đào củ mài, củ sắn, củ khoai ăn thay cơm.

Theo TS Nguyễn Cao Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (UBDT), trong 53 DTTS của nước ta hiện có 13 dân tộc có tỷ lệ nghèo trên 40%. Đặc biệt, có 7 dân tộc có tỷ lệ nghèo trên 50%, gồm: Xinh Mun (52,4%), Khơ mú (59,4%), Co (65,7%), Ơ Đu (66,3%), Chứt (75,3%), Mảng (79,5%), La Hủ (83,9%).

“Nếu như thực hiện giảm nghèo bình quân mỗi năm được 4% theo Quyết định 1557/QĐ-TTg thì các dân tộc Chứt, Mảng, La Hủ phải đến năm 2035 mới thoát nghèo. Nếu mức độ giảm nghèo dưới 4% thì thời gian trên sẽ còn xa hơn”, ông Thịnh cho biết.

Theo ông Thịnh, khi phân tích thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS thì phải áp dụng 10 chỉ tiêu kinh tế-xã hội để đánh giá mức độ nghèo trên mọi phương diện, cả về kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa,… Đặc biệt, lĩnh vực phát triển giáo dục ở một số cộng đồng DTTS hiện rất gian nan. Kết quả phân tích cho thấy, hiện vẫn còn 21,8% tỷ lệ người DTTS chưa biết đọc, viết tiếng phổ thông. Nhất là, có 6 DTTS có tỷ lệ mù chữ chiếm trên 50% dân số, gồm La Hủ, Lự, Mảng, Mông, Brâu, Cơ Lao. Nếu mỗi năm giảm 1,2% thì để xóa mù chữ cho cộng đồng 6 DTTS này phải cần trên 40 năm để thực hiện.

Tích hợp chính sách, lồng ghép nguồn lực

Thực trạng kinh tế-xã hội của 53 DTTS, nhất là nhóm các dân tộc rất khó khăn, đã cho thấy, mặc dù nguồn lực không nhỏ nhưng các chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính được xác định là những tồn tại, hạn chế ngay bản thân của chính sách.

Một nhược điểm lâu nay của chính sách là thường được thiết kế theo phương thức “một can thiệp phù hợp cho tất cả”, trong khi đặc điểm mỗi vùng miền, địa phương, dân tộc là rất khác biệt. Tham vọng của các nhà hoạch định cấp trung ương khi xây dựng chính sách là quy định quá chi tiết, cụ thể các nội dung, định mức, cách thức,… Chính việc này đã làm mất đi tính chủ động, sáng tạo cũng như làm giảm trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện.

Theo ông Lý Khol, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III (UBDT), vì tư duy “ôm đồm” đó mà một số chính sách xây dựng không theo cách tiếp cận từ dưới lên, dẫn đến mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, định mức chính sách thiếu thực tế.

“Như chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg, chúng ta vẫn ban hành chính sách trong khi nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn quỹ đất, giá đất nông nghiệp thì cao hơn rất nhiều so với định mức chính sách đưa ra. Vì thế mà các địa phương loay hoay không biết thực hiện như thế nào”, ông Khol dẫn chứng.

Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn hạn chế, đáng lẽ chúng ta cần khống chế phạm vi, đối tượng thuộc “lõi nghèo” để tập trung xử lý giảm nghèo. Thay vì cách làm này, chúng ta liên tục mở rộng đối tượng, trong khi mức đầu tư ngân sách không thay đổi. Chính điều này mà các chính sách không đủ lực, không tạo sự đột phá, vấn đề “lõi nghèo” không giải quyết được.

Giai đoạn 2016-2020, định hướng chung của các chính sách giảm nghèo là tăng cường tích hợp chính sách, lồng ghép nguồn lực. Nhưng ý kiến của một số địa phương vẫn cho rằng, việc tích hợp chính sách vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Như đại diện tỉnh Sơn La nhìn nhận, hiện có những văn bản cấp huyện không hiểu để triển khai thực hiện như Quyết định 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Việc điều tra rà soát hộ nghèo theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 khiến địa phương lúng túng, không tách được hộ nghèo thu nhập;…

Trước thực trạng chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi còn quá nhiều vướng mắc như hiện nay, thiết nghĩ cần nhanh chóng luật hóa các vấn đề liên quan đến DTTS và chính sách dân tộc trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó cần đổi mới cách tiếp cận và xây dựng chính sách, có thể chuyển hướng xây dựng các dự án thay cho chính sách như hiện nay. Trong đó, thí điểm cơ chế Trung ương xây dựng chính sách khung gắn với mục tiêu cần đạt, phân cấp cho địa phương tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Có như vậy, vùng DTTS và miền núi mới có những “cú hochs” đủ mạnh để phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. 
 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành