Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình 135

Nhìn lại kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc (CSDT) trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, đã thấy những dấu hiệu khả quan trên mọi phương diện đời sống của đồng bào vùng dân tộc và miền núi (DT&MN) của cả nước. Tuy nhiên, phía trước còn không ít khó khăn, thách thức cần sự nỗ lực, phối hợp đồng bộ hơn nữa của các cấp, ngành địa phương và của chính người dân, để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng DT&MN với các vùng, miền trong cả nước.

Những điểm sáng xóa đói, giảm nghèo

Một trong những điểm sáng trong thực hiện CSDT là Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DT&MN. Hiệu quả từ việc triển khai Chương trình 135 đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Chương trình 135 giai đoạn ba thực hiện trên địa bàn 2.331 xã, 3.059 thôn, ở 415 xã biên giới và 190 xã ATK, đã đầu tư gần 20 nghìn công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn). Đến hết năm 2015, có 80 xã đặc biệt khó khăn của 23 tỉnh và 366 thôn, bản của 30 tỉnh hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Cùng các đoàn đi khảo sát thực tế, để cảm nhận niềm vui của bà con khi hiệu quả của Chương trình 135 đã hiện diện trong đời sống. Các công trình duy tu tại Thanh Hóa; mô hình nuôi dê tại Hòa Bình; sản xuất giống ngô mới tại Quảng Trị); nuôi ba ba ở Cà Mau; các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại Vĩnh Phúc; công trình kênh mương thủy lợi ở Quảng Ninh… Với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các DTTS đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được nhân rộng, góp phần thu hút lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống cho bà con.

Lào Cai có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tới 65,6%, là một điểm sáng ở vùng Tây Bắc trong triển khai thực hiện tốt các CSDT. Kinh nghiệm thực tế tại đây thông qua Chương trình 135 là đã sử dụng hiệu quả vốn đầu tư vào việc tạo sinh kế cho đồng bào vượt khó phát triển và vươn lên, nhất là hỗ trợ vốn, đất đai, tư liệu, vật tư, công cụ và phương pháp... cho đồng bào phát triển sản xuất. Điều này không chỉ góp phần tạo nguồn cung phục vụ cho tiêu dùng tại chỗ, tạo việc làm mà còn tham gia vào thị trường hàng hóa, nâng cao nhận thức xóa bỏ các tập quán canh tác lạc hậu cho đồng bào, cải thiện thu nhập.

Cần hơn nữa sự chung sức, đồng lòng

Bài học thực hiện CSDT ở Lào Cai cho thấy, bên cạnh đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh cũng dành nhiều kinh phí đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, lồng ghép sáng kiến huy động nguồn lực đóng góp, tài trợ từ bên ngoài để đầu tư cho việc xây dựng các công trình dân sinh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong, công tác dân tộc của tỉnh còn gặp nhiều thách thức, đó là nhu cầu nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, vốn cho xây dựng nông thôn mới, vốn để thực hiện theo định mức giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2015-2020 là rất lớn, sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách tỉnh, nguồn vốn đầu tư cho các chính sách chưa đáp ứng nhu cầu mục tiêu… Đối với địa phương có đông đồng bào Khmer như Trà Vinh, nhờ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh hoạt của người nghèo được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo Khmer hằng năm giảm 4%, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc… Kết quả này là sự ghi nhận đáng kể những nỗ lực trong công tác dân tộc và thực hiện CSDT ở đây.

Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng hằng năm tiếp nhận số lượng dân di cư rất lớn. Mặc dù Đắk Nông đã được quan tâm thực hiện nhiều chương trình, dự án ổn định dân di cư tự do, nhưng nguồn lực đầu tư từ Trung ương bố trí hạn chế, trong khi ngân sách của tỉnh chưa tự cân đối để triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Cao Huy mong muốn có cơ chế, chính sách đặc thù và tiếp tục được quan tâm hơn trong công tác thực hiện chính sách ổn định dân di cư tự do, chính sách định canh định cư cho đồng bào các dân tộc nhằm từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 trong công tác dân tộc và CSDT là, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trọng tâm là Chương trình 135 và các chính sách đặc thù; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế ở vùng DT&MN, biên giới; củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở T.Ư và địa phương. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành, Ủy ban Dân tộc và các tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS cần phối hợp thực hiện tốt năm vấn đề, trong đó xây dựng thể chế, CSDT và miền núi sát thực tế, phù hợp vùng miền, dân tộc là quan trọng. Các cơ chế, chính sách tránh trùng lặp, chồng chéo. Công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS cần theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Quy định trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu trong thực hiện CSDT...
 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành