Tây Nguyên nhiều địa phương đạt chuẩn nông thôn mới

Chỉ trong vòng 5 năm, từ 2011 đến nay, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã xuất sắc cán đích xây dựng nông thôn mới, là huyện thứ 6 trong cả nước và là huyện đầu tiên ở Tây Nguyên đạt nông thôn mới cấp huyện.

Nằm ven Quốc lộ 27, M’răng là thôn nghèo duy nhất của xã Lạc Lâm với trên 110 hộ người đồng bào dân tộc thiếu số gốc Tây Nguyên sinh sống. M’Răng có một cánh đồng khá rộng, trước đây vốn là cánh đồng lúa một vụ bạc màu. Bắt đầu từ những người Kinh trong vùng đến thuê đất trồng rau, bà con trong buôn M’Răng một số người làm theo, trong đó có ông Laboye Quốc. Ông cho biết, lúc đầu cũng trồng sú, trồng cải thảo, trồng xà lách, ai trồng gì ông trồng nấy, trồng ở diện tích nhỏ rồi từ từ làm ra cả vườn. “Ban đầu tôi trồng ít thôi, chỗ nào chưa được đi hỏi người Kinh, hỏi cán bộ nông nghiệp xã” - ông kể. Cho đến nay, trên diện tích 5 sào đất ông đã biết trồng cây có giá trị kinh tế cao, biết cách dùng nhựa tủ chân để tránh cỏ, biết ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, đã mua sắm được máy móc cần thiết cho làm vườn, biết sử dụng phân bón các loại cho cây trồng, sử dụng máy tưới thuốc... “Chính quyền cũng hỗ trợ người dân nhiều lắm, cái gì không biết thì hồi rồi cũng làm được” - ông tươi cười.

Cùng với xã nông thôn mới Lạc Lâm đang giàu lên, thôn dân tộc nghèo M’ Răng trong 5 năm gần đây đã vươn lên với những thay đổi đầy tích cực. Đường vào thôn nay rộng rãi, nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên. Ưu thế của thôn, như một cán bộ xã cho biết là đất đai nơi đây rất tốt, hệ thống tưới tiêu cũng cực tốt và thế mạnh này đã được cộng đồng dân tộc thiểu số của thôn phát huy thông qua việc chuyển đổi từ lúa sang trồng rau thương phẩm như người Kinh, trồng củ năng (khoảng 10ha). Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều hộ khá lên trông thấy, thu nhập của người dân trong thôn tăng lên. Không ít hộ dân trong thôn cũng tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, cả thôn giờ chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo. Trong năm 2014 vừa qua, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp hơn 370 triệu đồng để kéo điện hạ thế ra cánh đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đến thời điểm này, Đơn Dương đã có 7 trong tổng số 8 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 2 xã Lạc Lâm và Quảng Lập được công nhận trong năm 2013; 3 xã Ka Đô, Ka Đơn và Lạc Xuân được công nhận cuối năm 2014 và thêm 2 xã Đạ Ròn và Tu Tra vừa được công nhận vào tháng 6 năm nay. Hiện, huyện chỉ còn xã P’roh đã đạt 17/19 tiêu chí, còn 2 tiêu chí là giao thông nông thôn và nhà ở dân cư đã đạt tỷ lệ trên 70% so với quy định và nỗ lực sẽ đạt trong năm 2016. Cùng đó, 2 thị trấn của huyện là Thạnh Mỹ và Dran cũng đang được huyện định hướng phát triển đạt chuẩn văn minh đô thị.

Theo đánh giá của Huyện ủy Đơn Dương, trong 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã thực sự tạo ra những nhân tố mới cho nông thôn Đơn Dương. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp tích cực của người dân, cơ sở hạ tầng của huyện đã thay đổi một bước căn bản, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh. Sản xuất phát triển (đặc biệt với cây rau thương phẩm, Đơn Dương có diện tích trên 8.500ha rau trong tổng số trên 11.800ha rau của Lâm Đồng), cùng với việc áp dụng rộng rãi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần đưa thu nhập người dân trong huyện ngày một nâng cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp đến nay đạt 150 triệu đồng/ha, nhiều mô hình công nghệ cao trong đó đạt từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 48 triệu đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,5%, trong đó, vùng dân tộc thiểu số chỉ còn 3%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế khu vực nông thôn đều có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị, an ninh trật tự được giữ vững.

Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Đơn Dương đã ghi nhận được rất nhiều những kinh nghiệm, những điển hình các tập thể lẫn cá nhân trong huy động sức dân, hiến đất làm đường, bắc điện chiếu sáng công cộng; trong nỗ lực vượt khó phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu... Đây sẽ là cơ sở để tỉnh tổng kết xác định rõ hơn nội dung, cách làm cơ chế, chính sách hỗ trợ để triển khai tại các huyện khác trong tỉnh cũng như để Đơn Dương tiếp tục củng cố và nâng cao các tiêu chí đã đạt được trong giai đoạn sắp đến.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành