Thái Nguyên: Minh Lập giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,08%
Trong những năm qua, xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ) đã chú trọng khuyến khích người dân phát triển cây chè và chăn nuôi trang trại để phát triển kinh tế. Cách làm này mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần đưa thu nhập bình quân của xã Minh Lập đạt 23,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,4% vào năm 2010 xuống còn 6,08% vào đầu năm 2015…
Xã Minh Lập có diện tích tự nhiên trên 1,8 nghìn ha, 1,6
nghìn hộ với trên 6,7 nghìn nhân khẩu, gồm 8 dân tộc anh em sinh sống, trong đó
đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 52%. Với hạn chế dân cư ở thưa thớt, trình
độ dân trí không đồng đều, 98% số hộ làm nông nghiệp nên đời sống nhân dân trong
xã còn gặp nhiều khó khăn. Vào thời điểm cuối năm 2010, thu nhập bình quân của
xã chỉ đạt 11,1 triệu đồng/người/năm.
Để nâng cao thu nhập cho người dân của xã, cấp ủy, chính
quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi
cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất
lượng cao. Xã đã lựa chọn cây trồng mũi nhọn là cây chè cành và phát triển chăn
nuôi theo hướng trang trại. Cấp ủy chính quyền xã đã cụ thể hóa những định hướng
trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015 bằng kế
hoạch từng năm, từng vụ và đề ra chỉ tiêu cụ thể: Mỗi năm trồng mới từ 5-7ha chè
cành; quy hoạch khu chăn nuôi và khuyến khích người dân chú trọng phát triển
chăn nuôi trang trại gà, lợn theo hướng chăn nuôi gia công cho các đối tác lớn.
Trong phát triển cây chè cành, xã đã khuyến khích đội ngũ cán
bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thử nghiệm trồng. Sau đó, dựa vào hiệu quả thu
được từng bước vận động người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng cho hiệu
quả thấp và những gốc chè trung du già cỗi sang trồng chè cành. Xã cũng tích cực
đưa những kỹ thuật mới, mở các lớp đào tạo trồng và chăm bón cây chè cành; triển
khai các chính sách hỗ trợ đến người dân... Cách làm trên đã được bà con hưởng
ứng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ chỗ diện tích không đáng kể, đến nay, chè
cành đã đạt gần 150ha trên tổng diện tích 340ha chè kinh doanh của toàn xã. Mỗi
năm, sản lượng chè búp tươi của xã đạt khoảng 3,3 nghìn tấn. Các diện tích chè
cành đều cho doanh thu từ 180 đến 270 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so
với trồng cây màu như trước. Hiện nay, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè
của các hộ nông dân trong xã đã dần đi vào ổn định. Xã Minh Lập đã xây dựng được
nhãn hiệu Chè Trại Cài và thành lập được 4 làng nghề chè truyền thống…
Bên cạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã Minh Lập cũng
khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô trang
trại. Xã đã quy hoạch được khu vực đất dành cho chăn nuôi, đồng thời, thông qua
quản lý của các tổ vay vốn, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với nguồn vốn ưu
đãi; đưa các mô hình hợp tác chăn nuôi gia công cho các công ty lớn về xã để bà
con yên tâm, đầu tư phát triển chăn nuôi. Qua đó, giúp người dân thay đổi cách
chăn nuôi nhỏ lẻ, bắt tay với các công ty lớn để phát triển trang trại nuôi gia
công gà và lợn. Hiện tại, xã Minh Lập đã có gần 36 trang trại gia cầm quy mô từ
4 nghìn đến 15 nghìn con/lứa/trại; 3 trang trại lợn quy mô từ 900 đến 1.000 con/lứa/trại.
Trung bình mỗi trang trại cho thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Trồng chè cành và chăn nuôi trang trại trở thành hướng đi
đúng đắn trong phát triển kinh tế của người dân ở xã Minh Lập. Nhờ đó, trong
những năm qua, kinh tế của xã đã có những bước phát triển khá, đời sống của
người dân được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí
và được công nhận là xã nông thôn mới trong năm 2015.
Trong giai đoạn 2015-2020, xã xác định tiếp tục giảm tỷ lệ hộ
nghèo 2,5%/năm; thu nhập bình quân đến năm 2020 đạt 30 triệu đồng/người/năm. Để
thực hiện được mục tiêu đó, cấp ủy chính quyền xã xác định tiếp tục tập trung
đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, thực hiện có hiệu quả chương trình
xây dựng nông thôn mới; tích cực chuyển dịch quy mô và cơ cấu cây trồng vật nuôi
theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành, nâng cao chất lượng hàng
hóa gắn với thị trường tiêu thụ; đầu tư, phát huy thế mạnh của vùng chè Trại Cài
và 4 làng chè truyền thống…