Thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La
Vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân tái định cư. Nghề nuôi cá lồng đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân và đem lại thu nhập ổn định từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình ông Lò Văn Khặn, bản Huổi Quẩy, xã Chiềng Bằng,
huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên ở bản. Thời
điểm ban đầu rất khó khăn do không có vốn, lại thiếu kĩ thuật nên gia đình chỉ
đầu tư được 2 lồng cá, chủ yếu là những giống bản địa. Qua thời gian với kinh
nghiệm và số tiền tích góp, nay ông Khặn đã có 10 lồng với nhiều loại cá đặc sản
như: cá Lăng, cá Nheo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lò Văn Khặn cho biết:
“Từ khi tích nước thủy điện Sơn La thì tôi nuôi cá lồng, từ năm 2010 đến nay. So
với nuôi lợn gà vịt thì nuôi cá cho thu nhập cao hơn, lại nhàn, cho thu nhập cao.
Đến 2014 thì gia đình tôi thu nhập từ cá lồng cũng khá giả hơn, mỗi năm thu được
300 triệu”.
Gia đình ông Khặn là một trong số 120 hộ dân tái định cư xã
Chiềng Bằng phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Di
chuyển đến nơi ở mới, không còn ruộng nước, giờ đây nghề nuôi cá lồng là nghề
chính và đem lại thu nhập ổn định cho người dân từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng
một người một tháng.
Ông Tòng Văn Tám, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, huyện
Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho hay: “Thu nhập trước đây chăn nuôi, trồng lúa là chủ
yếu, so với trước đây thì thu nhập bình quân của người dân từ 1,5 – 2 triệu, bây
giờ từ 2 triệu đến 2,5 triệu một đầu người một tháng”.
Không chỉ Quỳnh Nhai, ở xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, nghề
nuôi cá lồng cũng đang trở thành hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
vật nuôi, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, xã có
18 ha mặt nước, phân bổ ở 8/21 bản. Nước hồ trong quanh năm, không bị nhiễm bẩn,
thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng. Hằng năm, xã đã xây dựng kế hoạch và giao
chỉ tiêu cụ thể cho Hội Nông dân xã; chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền cho người
dân những lợi thế trong việc phát triển nghề nuôi thủy sản trên vùng lòng hồ,
tập trung ở các bản ven sông Đà, như: Hát Hay, Tà Lành, Phiêng Xạ, Huổi Pù, Nà
Sàng, Tả và Áng. Đồng thời, phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức các lớp
chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng, cách phòng chống các bệnh cho cá. Đến nay,
hầu hết bà con đã biết cách chăm sóc và phòng các bệnh cho cá; sử dụng các vật
liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ đóng lồng cá; một số hộ đầu tư đóng lồng
bằng ống nhựa, sử dụng phao nổi, nuôi cá bằng lồng lưới.
3 năm gần đây, được sự giúp đỡ của Chi cục Quản lý chất lượng
nông lâm sản và thủy sản, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh và được đầu tư chiều
sâu. Ngoài đầu tư về kinh phí, Chi cục đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tổ
chức cho nhân dân tham quan học tập kinh nghiệm ở những vùng đã nuôi cá lồng;
hướng dẫn nông dân cách làm lồng cá, chăm sóc cá trong từng giai đoạn sinh
trưởng, kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh phù hợp; kiểm
tra lồng thường xuyên, vệ sinh lồng định kì... Từ năm 2012 đến nay, xã được
huyện hỗ trợ 7 lồng cá, với mức hỗ trợ 18 triệu đồng/lồng; Chi cục Quản lý chất
lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ 2 lồng. Hiện toàn xã có 22 lồng nuôi các
loại cá trắm cỏ, chép, rô phi lai, trôi... sản lượng bình quân từ 2,5 - 3 tạ cá/lồng,
trừ chi phí lãi 15 - 20 triệu đồng/lồng.
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La bước đầu đã
cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế. Tuy nhiên chính quyền địa phương
cần phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra
cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước. Ông
Lưu Bỉnh Khiêm, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: “Phát
triển thủy sản trong lòng hồ trong thời gian tới huyện sẽ phát triển các hợp tác
xã và tổ hợp tác để nhân dân tập hợp được nhân lực, nguồn vốn cùng nhau phát
triển thủy sản, gắn với doanh nghiệp trên địa bàn”.
Để phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, giúp đồng bào tái
định cư giảm nghèo và làm giàu trên vùng quê mới, tỉnh Sơn La đã và đang tìm cơ
chế chính sách liên kết giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp trong và
ngoài tỉnh; quy hoạch diện tích nuôi thủy sản ổn định cho bà con.