Thoát nghèo nơi 'gối đỡ' Tây Bắc
Theo con đường Quốc lộ 32 phẳng phiu, vượt qua đèo Cón, chia tay với địa danh cuối cùng của Đất Tổ Phú Thọ có tên Thu Cúc, nơi ngã ba ngày xưa ông Nguyễn Tuân vẫn hay ngồi nghỉ trong dặm dài lên Tây Bắc là bước vào Mường Cơi. Đây là xã đầu tiên của châu Bắc Yên Phù thời xưa, với những cảnh đói nghèo heo hút. Nhưng nay, miền “gối đỡ” Tây Bắc này đã đổi thay bởi các chương trình phát triển kinh tế, trong đó đáng chú ý nhất là chương trình chăn nuôi đại gia súc.
Niềm vui nơi bản Ếch
Trong 22 thôn hiện có của xã
Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La), trước đây bản Ếch vốn nổi danh là một trong những
bản nghèo nhất. Xưa, người dân bản Ếch chủ yếu sống quảng canh, nguồn thu nhập
của người dân phần lớn trông vào những thửa ruộng còi cọc, những mảnh nương chon
von nơi đầu núi. Không kỹ thuật, không có loại giống mới thay thế, người dân cứ
đốt, tỉa, trồng, cấy theo kinh nghiệm thâm canh truyền đời của mình. Vậy nên
năng suất các loại cây trồng không cao, người dân luôn lâm cảnh thiếu thốn lương
thực.
Cũng may, cơ hội đã đến khi Phù
Yên được chọn làm nơi triển khai Nghị quyết 258/2008/NQ – HDND của Hội đồng Nhân
dân tỉnh về chăn nuôi đại gia súc với quy mô lớn. Cùng với sự lựa chọn này, bản
Ếch đã có những cơ hội để thoát nghèo cho mình. Đi giữa những lốc cốc của tiếng
mõ trâu, chung cheng tiếng chiêng bò vào khắc cuối chiều hanh hanh nắng, anh
Hoàng Văn Phướng, Trưởng bản Ếch vui vẻ “khoe”: Không có sự chú ý của Nhà nước,
của tỉnh thì không biết bao giờ cái từ đại gia súc mới “bén mảng” được đến đất
này. Mà cũng không có sự đầu tư, chú ý ấy thì chả biết đến bao giờ người bản Ếch
mới biết mình đang ngồi trên “một kho của” để mà “đào” lấy.
Cũng từ anh Phướng, được biết,
trước đây chăn nuôi trâu, bò đã manh mún từ nhiều đời ở bản Ếch. Nhưng ngày ấy,
trâu, bò được chăn thả hết sức “quảng canh”. Nghĩa là chả bao giờ chúng được chú
ý. Chuồng trại, dịch bệnh, thậm chí đến cả thức ăn cho chúng cũng đều được người
dân phó mặc… cho rừng. Cũng như cây ngô, cây lúa một thời, trâu bò được chăn thả
như vậy nên suy giảm dần về số đầu con, suy thoái dần về sự lai tạp.
Thế nhưng, từ khi được cán bộ
xuống chỉ bảo, cái đầu của người dân bắt đầu sáng lên. Họ đã ý thức được rằng,
tuy là loại gia súc to, khỏe, nhưng nếu không được chăm chút thì người dân sẽ
không giữ được đàn và sẽ không có thu nhập. Cùng với sự chuyển giao khoa học
công nghệ, thì vốn bắt đầu cũng được “rót” về các hộ dân. Vốn được đầu tư để mua
trâu, bò giống, vốn được đầu tư để làm chuồng trại, thậm chí người dân còn được
vay cả vốn để trồng cỏ, chủ động thức ăn vào ngày mưa rét cho trâu bò.
Một nhà chăn nuôi, hai nhà chăn
nuôi; chăn nuôi trâu, bò theo kỹ thuật mới này đã cho những kết quả khả quan,
thế là người dân bắt đầu học hỏi nhau để làm. Theo anh Phướng, chỉ trong vòng 3
năm ngắn ngủi, cùng với các khoản đầu tư, từ một bản mà đàn trâu, bò chỉ đếm
trên đầu ngón tay, đến nay, đàn gia súc của bản đã lên đến 430 con. Bằng việc
“đột phá” về chăn nuôi đại gia súc này mà cái nghèo tưởng chừng như rất “khó
đuổi” ở bản Ếch nay đã thành hiện thực. Với 110 hộ dân tổng thảy, bằng việc chăn
nuôi và lợi nhuận của nó đem lại đã làm giảm nhanh chóng hộ nghèo của bản.
Mô hình điểm – động lực lớn
Trong các chương trình phát triển
kinh tế dài hơi của mình, Sơn La đã có những quyết sách. Từ trồng cao su, chuyển
đổi giống cây trồng… thì chương trình chăn nuôi đại gia súc được đánh giá là có
tác động và giá trị xã hội rất lớn trong việc xóa nghèo cho người dân. Là một
tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, lại có thế mạnh về đồng cỏ nên Chương
trình chăn nuôi đại gia súc đã được biến thành nghị quyết, được Hội đồng Nhân
dân tỉnh thông qua, với những biểu quyết và ủng hộ khá cao.
Để biến Nghị quyết này thành hiện
thực, tạo cơ hội cho dân nên Phù Yên đã là nơi được tỉnh lựa chọn. Sau khi làm
thí điểm ở một số xã, với kết quả thu nhận được, mô hình đã được nhân rộng ở
Mường Cơi với 22 thôn bản có người dân tham gia. Cái cơ bản ở đây là vốn, với sự
chỉ đạo và liên kết có bài bản, các hệ thống chi nhánh thuộc Ngân hàng Chính
sách và Xã hội cũng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đồng
loạt “mở cửa”, đơn giản thủ tục để cho người dân được tiếp cận vốn. Với 1,5 tỷ
được giải ngân và 130 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi là những con số để nói lên
phong trào chăn nuôi đại gia súc nơi đây.
Để nguồn vốn được sử dụng đúng
chỗ, có hiệu quả, một ban chỉ đạo do Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã làm trưởng
ban đã được thành lập, kiện toàn, đi vào hoạt động hết sức nề nếp. với sự chỉ
đạo và quản lý sát sao này, ngoài việc đầu tư đúng hộ, đúng người thì cái cơ bản
còn là việc quản lý đàn trâu, bò. Trâu, bò hộ nào nuôi ra sao, phòng chống dịch
bệnh, chống rét thế nào đều được nắm bắt và có sự nhắc nhở, đôn đốc cũng như hỗ
trợ kịp thời ngay.
Ngoài đầu tư đàn trâu, bò thì hệ
thống chuồng trại cũng được làm hết sức cơ bản. Bất cứ người dân nào trong xã,
có đàn gia súc từ 3 con trở lên đều được vay vốn ưu đãi để làm chuồng, trại. Bên
cạnh chuồng trại, các dịch vụ thú y thì vấn đề về thức ăn cho trâu, bò cũng được
tính toán hết sức cẩn thận. Để chủ động thức ăn và tạo thức ăn có giá trị, 40ha
cỏ có năng suất và chất lượng cao cũng đã được trồng. Từ những thắng lợi ban đầu
về chương trình chăn nuôi đại gia súc đã có ở Mường Cơi, trong thời gian tiếp
theo, xã sẽ rà soát, tiếp tục lập danh sách các hộ có nhu cầu để gửi đến Ngân
hàng Chính sách và Xã hội cũng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
để người dân tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn.