Thoát nghèo ở xã nghèo

Những năm gần đây, đời sống nhân dân xã Pró (Đơn Dương) không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Kết quả trên là do xã đã có những bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế giúp các hộ giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Thay đổi cách làm

Là một trong những xã thuộc diện 135 của huyện với hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, để giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Pró đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của huyện triển khai hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thông qua đội ngũ khuyến nông viên cơ sở. Đến nay, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đặc biệt là củ năng, cây đậu leo, sú, cà chua... Gia đình anh Ya Phi (thôn Krăng gọ) vốn “đội sổ” hộ nghèo của xã, vì trước đây chưa biết trồng cây gì nên gia đình quanh năm đói nghèo. Xác định được nguyên nhân nghèo, chính quyền, cùng đoàn thể, mặt trận vào cuộc vận động gia đình anh Phi chuyển đổi diện tích lúa sang trồng rau màu. Từ đồng vốn hỗ trợ ban đầu, anh Phi mạnh dạn chuyển đổi 3 sào lúa sang trồng cà chua, vụ đầu anh lãi hơn 20 triệu đồng. Từ những kết quả ban đầu, anh tiếp tục đầu tư trồng sú, mác mác. Nhờ biết tích lũy, gia đình anh Phi đã có tiền xây nhà, mua xe và tiếp tục đồng vốn để xoay vòng sản xuất. Năm 2015, anh Phi tham gia đăng ký thoát nghèo và hiện nay gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn thoát nghèo bền vững. “Trước đây, trồng lúa chỉ đủ ăn. Có được cuộc sống ổn định như ngày nay, nhờ mạnh dạn đầu tư cây trồng mới cho thu nhập cao, con cái học hành đàng hoàng, đó là niềm hạnh phúc” - anh Phi nói.

Tại thôn Pró Ngó, một trong những thôn tập trung nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhất, anh Bơnah Ria Khiêm, cười bảo: “Chỉ mấy năm trước thôi, Pró đâu được thế này. Nhờ nhà nước hỗ trợ con giống, cây giống, khuyến khích chuyển đổi cây trồng nên bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc. Đồng bào từ chỗ lúng túng không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp để vươn lên thoát nghèo nay đã chuyển sang trồng rau màu cho thu nhập cao”. Tìm hiểu thêm mới biết, gia đình anh Bơnah Ria Khiêm trước cũng thuộc diện hộ nghèo. Nay, với diện tích 8 sào đất rau màu mỗi năm anh Khiêm thu nhập 200 triệu đồng/năm và được công nhận thoát nghèo cuối năm 2015.

Không có cơ hội tái nghèo

Trên trục đường vào trung tâm xã, lác đác những ngôi nhà cao tầng, nhà cấp 4 kiên cố đang mọc lên. Có được những thay đổi này ở một xã nghèo thuộc diện 135 là một quá trình với sự vào cuộc bền bỉ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã Pró. Quyết tâm giảm nghèo cũng đã được Đảng ủy, chính quyền xã Pró cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ vừa qua. Đặc biệt, một trong những chương trình trọng tâm giảm nghèo bền vững đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Y Thin, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pró cho biết: “Thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại hiệu quả cao. Trồng rau rất hợp với đất đai của xã Pró, lợi nhuận cao hơn gấp 10 lần so với trồng lúa nên chúng tôi khuyến khích bà con mở rộng diện tích. Từ chỗ gần 100% diện tích nông nghiệp trồng lúa nay hầu hết đã chuyển đổi sang trồng rau màu. Riêng năm 2015, người dân đã chuyển 300ha lúa năng suất kém sang trồng rau màu, nâng diện tích trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 lên 615ha”.

Với những nỗ lực trên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Pró đã giảm đáng kể. Từ chỗ hơn 400 hộ nghèo (chiếm 43%), thì thống kê hiện nay, toàn xã Pró chỉ còn 54 hộ nghèo, (chiếm tỷ lệ 3,92%); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,5 triệu đồng/năm (năm 2010) đến nay tăng lên 30 triệu đồng/người/năm. Thực tế cho thấy, hiện nay, số hộ dân thoát nghèo những năm qua không có nguy cơ tái nghèo. Ông Trần Thiện Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Pró cho rằng, đồng bào sẽ nghèo “muôn thuở” nếu cứ lặp đi lặp lại cách làm cũ. Trước nay, dân địa phương nghèo do trình độ học vấn thấp, sản xuất manh mún, tụt hậu, thiếu tư liệu sản xuất. Nhưng xét cho cùng, cái nghèo xuất phát từ sự chậm đổi mới tư duy sản xuất và tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đưa tiền bạc nhiều chưa chắc giúp dân thoát nghèo, thậm chí vô tình trở thành “gánh nặng” cho ngân sách. Phải tạo cho đồng bào tâm thế làm chủ, tự quyết định số phận và giúp họ cảm thấy mặc cảm với cái nghèo, thì lúc đó sẽ không còn có cơ hội tái nghèo.

Hiện nay, Pró đã thành “điểm sáng” về giảm nghèo nhanh và bền vững. Quan trọng hơn, có khá đông hộ nghèo của xã đăng ký đã thoát nghèo vượt trên chuẩn cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Đến nay, xã đã thoát ra khỏi diện xã 135 của tỉnh Lâm Đồng” - ông Tiến cho biết.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành