Thúc đẩy các mục tiêu thiên niên kỷ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, sau 30 năm Việt Nam đã bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự phát triển ấn tượng, nhiều chủ trương chính sách lớn về phát triển kinh tế- Xã hội đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện khá tốt, đời sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên.
Điều đó được ghi nhận rộng rãi
không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn được đánh giá bởi cộng đồng quốc tế.
Đời sống vùng dân tộc thiểu số
từng bước được nâng lên
Kể từ khi ký kết Tuyên bố phát
triển thiên niên kỷ, Việt Nam đã quyết tâm thực hiện những cam kết trong việc
tham gia hợp tác toàn cầu về xóa đói giảm nghèo, phát triển và bảo vệ môi trường...
Trong 15 năm qua, Chính phủ Việt
Nam đã tập trung ưu tiên thực hiện những Mục tiêu thiên niên kỷ và thực tế đã
đạt được nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối
với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc
tại Diễn đàn “Triển khai các mục tiêu thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc
thiểu số trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016- 2020,” trong
giai đoạn 2011-2015, Chương trình 135 thực hiện trên địa bàn 2.331 xã và 3.059
thôn thuộc địa bàn 415 huyện, 52 tỉnh. Vốn ngân sách đầu tư thực hiện Chương
trình 135 là 14.961,89 tỷ đồng. Chương trình đã huy động được nhà tài trợ Ai Len
và Liên minh châu Âu hỗ trợ không hoàn lại khoảng 1.072 tỷ đồng.
Sau 5 năm thực hiện, các địa
phương đã triển khai thực hiện trên 22.000 công trình tập trung chủ yếu vào
đường giao thông, thủy lợi và trường học; hỗ trợ giống, cây, con, mua sắm máy
móc trang thiết bị, công cụ phát triển sản xuất, chế biến, hỗ trợ vắc xin tiêm
ph òng gia súc, gia cầm; thực hiện 195 dự án, 172 mô hình phát triển sản xuất,
tổ chức 970 lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao kỹ thuật cho
trên 458.000 lượt người.
Riêng trong năm 2015, Chương
trình đã đầu tư 3.690 công trình gồm công trình giao thông, thủy lợi, công trình
sinh hoạt cộng đồng, trường học, công trình nước sinh hoạt, trạm y tế, công
trình điện, chợ...
Với sự đầu tư hỗ trợ của Chương
trình 135 và các nguồn hỗ trợ khác, đến hết năm 2015 có trên 200 xã đạt từ 10
tiêu chí nông thôn mới trở lên và có 78 xã hoàn thành mục tiêu của Chương trình.
Có thể nói, Chương trình 135 đã
trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực đặc biệt khó khăn
vùng dân tộc thiểu số và miền núi - là khu vực lõi nghèo của cả nước trên những
khía cạnh có liên quan đến mục tiêu thiên niên kỷ như giảm nghèo, tăng cường hệ
thống giáo dục, y tế cấp cơ sở tác động tích cực đến việc phổ cập giáo dục tiểu
học, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tử vong mẹ khi sinh, cải thiện t
ình trạng bình đẳng giới.
Cụ thể, tỷ lệ giảm nghèo ở các xã,
thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3,5%/năm. Số hộ nghèo dân tộc thiểu
số còn 663.563 hộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có sự thay đổi rõ rệt, từng
bước hoàn thiện và đồng bộ hóa. Tỷ lệ xã có đường ôtô đến trung tâm xã đạt 100%,
tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn có chợ đạt 75%, tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn có điện
đạt 97,5%.
Trong quá trình triển khai,
Chương trình thực hiện những nguyên tắc như: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân
kiểm tra,” “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập,” “xã làm chủ đầu
tư”... vì thế đã làm nên “thương hiệu” của mình.
Chương trình 135 cũng đã xây dựng
những cơ chế sáng tạo nhằm triển khai đạt hiệu quả cao như: lập kế hoạch ở cấp
xã, thôn có sự tham gia của các hộ gia đình, đặc biệt khuyến khích sự tham gia
của nữ giới. Cơ chế tỉnh phân bổ vốn cho xã, thôn theo mức độ khó khăn của trình
độ phát triển để ưu tiên nguồn lực cho các xã, thôn khó khăn nhất...
Phát biểu tại Diễn đàn “Triển
khai các mục tiêu thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Kế hoạch
phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016- 2020, bà Pratibha Mehta, Điều phối
viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, việc ra đời của các mục
tiêu phát triển bền vững cũng chính thức khép lại năm cuối cùng thực hiện các
mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đây là một hành trình đầy kỳ tích, trên cả
bình diện toàn cầu và tại Việt Nam.
Nhân dịp này, bà Pratibha Mehta
gửi lời chúc mừng chân thành tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam với những tiến
bộ mang tính chuyển biến căn bản mà Việt Nam đã đạt được trong một khoảng thời
gian rất ngắn để hoàn thành hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Điều này đã phản ánh những tiến
bộ to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn Đổi mới và phần lớn dựa trên
mô hình tăng trưởng có lợi cho người nghèo cũng như đảm bảo sự tiếp cận công
bằng đối với dịch vụ công.
Cụ thể hóa các mục tiêu phát
triển dân tộc thiểu số
Để thúc đẩy quá trình thực hiện
các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đối với các dân tộc
thiểu số, Đảng và Nhà nước đã ban hành hệ thống chủ trương, chính sách đồng bộ
trong đó có Chương trình 135. Đây là Chương trình phát triển kinh tế-xã hội của
Chính phủ dành cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các
thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, là một trong những chính
sách dân tộc quan trọng nhất trong hệ thống chính sách dân tộc của Việt Nam.
Theo Ủy ban Dân tộc, nhằm chuẩn
bị cho kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Chương
trình 135 tuân thủ đúng quy định hiện hành trong Luật đầu tư công, chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch trung hạn, tiếp
tục h ướng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Nhấn mạnh vai trò là cơ quan
thường trực có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý, theo dõi, hướng dẫn,
kiểm tra tình hình triển khai các Mục tiêu thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số,
ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Ủy ban
Dân tộc đang khẩn trương xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết
định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện
các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với
Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Dân tộc tin tưởng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ, sự chủ động,
có trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của
Cơ quan phát triển Liên hợp quốc, các đối tác phát triển và cộng đồng Quốc tế
việc triển khai thực hiện sẽ đạt hiệu quả cao, tạo nền tảng vững chắc thực hiện
các Mục tiêu phát triển bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội
đối với đồng bào các dân tộc, vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn
tới.
Ông Nguyễn Danh Út, Phó Chủ tịch
Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, cần lồng ghép các chỉ tiêu phát triển
đồng bào dân tộc thiểu số vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của quốc
gia và Kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và kế hoạch phát triển kinh tế- xã
hội của từng địa phương.
Để thực hiện điều này một cách
hiệu quả, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần có hành động tích cực
trong việc cụ thể hóa các chỉ tiêu bằng các kế hoạch phát triển, các chính sách.
Ngoài ra việc xây dựng và triển khai một khung giám sát việc thực hiện các chỉ
tiêu phát triển dân tộc thiểu số cũng đóng vai trò quan trọng.
Trong giai đoạn 2016-2020, với sự
chủ động tổ chức quản lý thực hiện Chương trình 135 từ Ủy ban Dân tộc, các Bộ,
ngành và địa phương, sự quan tâm hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế, tham gia h
ưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, Chương trình 135 sẽ hoàn thành các mục tiêu
đặt ra, góp phần to lớn vào thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở vùng
dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam./.