Thực hiện tốt chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào
Trên địa bàn T.X Phổ Yên hiện có gần 3.800 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 15.000 nhân khẩu (gồm các dân tộc Sán Dìu, Tày, Nùng, Sán Chay, Thái, Hoa, Chăm, Giáy…) ở 31 xóm, bản, chiếm gần 10% tổng số dân toàn Thị xã. Những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào.
Một trong những chương trình hỗ trợ đồng bào các dân tộc
thiểu số phát huy hiệu quả nhất ở Phổ Yên là Chương trình 135. Với việc hỗ trợ
đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó
khăn, Chương trình này góp phần quan trọng nâng cao đời sống đồng bào. Ao Sen
trước đây là xóm khó khăn của xã Thành Công, nhưng vài năm gần đây nhờ được đầu
tư, hỗ trợ theo Chương trình 135 nên đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi.
Ông Mạnh Văn Hai, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Ao Sen hiện có 33 hộ, 100% là đồng
bào dân tộc Sán Dìu. Nhờ có các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trong
phát triển kinh tế - xã hội, mấy năm nay đời sống của người dân trong xóm đã
được nâng lên đáng kể. Đặc biệt là từ khi con đường liên xóm Ao Sen - Hạ Đạt đi
ra trung tâm xã được đầu tư xây dựng theo Chương trình 135 (với chiều dài 1,2km,
mặt đường đổ bê tông dày 16cm, rộng 3,5m, tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ đồng) đã
giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân xóm Ao Sen thuận tiện
hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Số hộ khá tăng từ 40% (năm
2012) lên 70% (hiện nay), xóm không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn 7 hộ; trên 98%
các gia đình có mô tô, xe máy đi lại, 100% có phương tiện nghe nhìn...
Không riêng xóm Ao Sen, mà nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ
của Nhà nước, cuộc sống của người dân ở 31 xóm, bản có đông đồng bào dân tộc
thiểu số trên địa bàn T.X Phổ Yên cũng đang đổi thay từng ngày. Trong 5 năm qua,
tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó
khăn trên địa bàn là gần 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Thị xã đã đầu tư xây dựng
17 công trình giao thông, 5 công trình thuỷ lợi, 3 nhà văn hoá và 1 công trình
điện sinh hoạt… Bên cạnh đó, Chương trình cũng thực hiện các dự án hỗ trợ phát
triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở, chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và
nâng cao đời sống nhân dân, hỗ trợ hoạt động văn hoá, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ
cải thiện vệ sinh môi trường...
Ngoài Chương trình 135, nhiều chương trình, chính sách khác
như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho
hộ nghèo, già làng, trưởng thôn khó khăn, gia đình chính sách ở các xã khu vực
II, III; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;
chính sách cho vay vốn, nhà ở, đất sản xuất… cũng được triển khai nhằm tiếp thêm
sức cho đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao đời sống. Cùng với đó, để giảm
bớt chênh lệch giàu nghèo, Phổ Yên còn thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ trực
tiếp cho các hộ dân phát triển sản xuất bằng việc giúp bà con đưa các giống mới,
áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc tổ
chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân và đặc biệt là thực
hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc
biệt khó khăn. Trong 5 năm, Thị xã đã rà soát, tổng hợp nhu cầu và cho 809 hộ
dân được vay với tổng số vốn đã giải ngân là gần 4,3 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ
trực tiếp cho 10.776 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí là gần 2,5 tỷ đồng.
Với địa thế đồi rừng, Thị xã tập trung nâng cao diện tích,
chất lượng chè tại các xã: Thành Công, Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân, thị trấn
Bắc Sơn, đưa các giống chè cành năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như:
LDP1, Phúc Vân Tiên… nâng năng suất chè tươi từ 70 tạ/ha/năm (năm 2006) lên 96,2
tạ/ha/năm. Qua đó, đã góp phần tạo động lực cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu
số vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Từ những chính sách hỗ trợ trên, đến nay, kinh tế vùng đồng
bào dân tộc thiểu số trên địa bàn T.X Phổ Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực:
Cơ cấu cây trồng vật nuôi dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phong
trào sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng được nhân rộng đã góp phần làm tăng thu
nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống đáng kể. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi
năm tỷ lệ hộ nghèo của Thị xã giảm khoảng 3,5%,hiện nay chỉ còn 5,5% (trong đó
hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40%).