Tín dụng chính sách với cuộc chiến chống đói nghèo ở Kỳ Sơn

Để chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu trong đời sống nhân dân Kỳ Sơn, Hà Tĩnh, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã “ăn cùng dân, ở cùng dân”, vượt núi cõng vốn đến với người nghèo dân tộc thiểu số. 5 năm qua, 11 nghìn hộ dân ở Kỳ Sơn đã được vay vốn, số hộ nghèo của huyện đã giảm từ 80,2% xuống còn 52,7%...và hơn hết là đồng bào đã có được quyết tâm thoát nghèo, chủ động vươn lên làm giàu.

Là huyện miền núi vùng cao biên giới, Kỳ Sơn nằm ở phía cực tây của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm Thành phố Vinh tới 250 Km. Ở vị trí xa trung tâm, Kỳ Sơn lại là nơi khí hậu rất khắc nghiệt, được xếp vào vùng khí hậu “cực đoan” bởi gió Lào, nắng nóng khô rát nhất cả nước. Cả huyện có 20 xã và 1 thị trấn. Trong đó, đến 7 xã cách trung tâm thị xã Mường Xén đến hơn 40 Km và phải đi bằng đường rừng, xa nhất là 2 xã Keng Du và Na Ngoi, cách xa Mường Xén đến hơn 80 Km. Mặc dù có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn nhưng cho đến nay giao thông từ thị trấn đi các huyện vẫn là đường đất, địa hình hiểm trở. Để đi lại được, người dân phải trèo đèo, lội suối, thậm chí phải vượt qua núi cao, vực thẳm rất nguy hiểm mới tới được các xã vùng sâu, vùng xa. Giao thông khó khăn đã đành nhưng thiên nhiên lại cũng không ưu đãi cho người dân Kỳ Sơn khi cả huyện chỉ có 1,6% diện tích có khả năng canh tác nông nghiệp, còn lại là núi cao đá nhọn.

Kỳ Sơn có 4 dân tộc cùng sinh sống là Mông, Khơ Mú, Thái và Kinh. Trong đó, người Mông chiếm số đông nhất và người Kinh là ít nhất, chỉ khoảng 2%. Thu nhập chủ yếu vẫn dựa vào tự cung, tự cấp. Với trình độ dân trí thấp, người dân vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu, một bộ phận dân cư vẫn giữ tục du canh, du cư. Chả thế, ngoài thị trấn Mường Xén, cả 20 xã của Kỳ Sơn đều thuộc diện khó khăn, cái đói, cái nghèo bám riết và bủa vây người dân nơi đây. Không chỉ nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất của cả nước. Kỳ Sơn được biết đến với nhiều cái nhất như: “đệ nhất nghèo” và “đệ nhất khó khăn”. Cứ 10 người dân thì 8 người thuộc diện nghèo đói kinh niên. Sản xuất nông nghiệp lạc hậu, nghề phụ gần như không có, chăn nuôi èo uột theo kiểu tự cung, tự cấp… Cho nên, cả huyện có duy nhất một ngân hàng thương mại thì hoạt động thoi thóp vì không có người vay. Vì vậy, thách thức xóa đói, giảm nghèo đặt lên các cấp ủy đảng và chính quyền là rất lớn.

Đây cũng là vấn đề đặt ra cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn trong bài toán đưa vốn đến với người nghèo. Làm sao để những đồng bào thiểu số thay đổi nhận thức du canh, du cư, nuôi trồng tạm bợ, mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt để xóa nghèo mà vẫn có thể hoàn vốn. Đây chính là lúc Chính quyền và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Kỳ Sơn chung tay vực dậy kinh tế địa phương, thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

“Cái lợi, cái tốt” chiến thắng cái lạc hậu

Ở Kỳ Sơn, cái khó nhất chính là nhận thức về thoát nghèo và thay đổi tập quán canh tác quen dựa vào tự nhiên. Vì vậy, xóa đói, giảm nghèo trước hết phải là xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, ỷ lại vào thiên nhiên của bà con dân tộc. Điều này đã được khẳng định khi bà con chỉ thích trồng các loại cây trên đồng cạn, ngắn ngày, dễ thu hoạch và chế biến nhanh sau khi thu hoạch. Như trước đây, việc thất bại trồng cây lúa nước ở xã Bắc Lý cho thấy điều đó. Cũng bởi thế, muốn xóa bỏ nhận thức cũ thì phải đưa kỹ thuật canh tác, nuôi trồng mới vào thực tế và hơn hết là phải chứng minh được “nhiều cái lợi, nhiều cái tốt” (theo cách nói của đồng bào thiểu số). Cơ hội đã đến khi Chính quyền huyện Kỳ Sơn phát triển một số loại cây trồng trong huyện như cây mận Tam hoa (xã Mường Lống); cây gừng (các xã Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn, Đoọc Mạy); nuôi lợn thịt (xã Tà Cạ) và bò sinh sản… Kỹ thuật nuôi trồng cũng được phổ biến tới các hộ dân tại một số xã có điều kiện, môi trường phù hợp.

Từ những hộ dân được chọn lựa, thông qua chính quyền xã, huyện Kỳ Sơn từng bước “ươm mầm” xóa đói giảm nghèo từ những “hạt giống” đầu tiên. Đây cũng chính là lúc các cán bộ, nhân viên của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vào cuộc, mang những đồng vốn ưu đãi tiếp sức cho người nghèo. Với phương châm “ăn cùng dân, ở cùng dân”, các cán bộ phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội không quản ngại đi lại khó khăn, kiên trì bám bản, bám làng, bền bỉ đưa đến tận tay người nghèo để xóa đói giảm nghèo. Từng bước, những “hạt giống” ban đầu đã có những thành quả nhất định, thổi luồng sinh khí mới, lan tỏa trong nhiều xã ở Kỳ Sơn. Nhờ đó, mà đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những quan niệm mới về phát triển kinh tế, áp dụng kỹ thuật trong canh tác, nuôi trồng. Lẽ đương nhiên, đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn cũng bắt đầu đến với các hộ nghèo dù chưa nhiều như kỳ vọng.

Bài học từ kiên trì “vượt núi”, “băng ghềnh”

Sau 5 năm, 11 nghìn hộ dân ở Kỳ Sơn đã được vay vốn làm cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn đạt tổng dư nợ 191 tỷ đồng. Bình quân, mỗi hộ vay 17 triệu đồng với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,9%. Đã có 3.813 gia đình ở Kỳ Sơn thoát nghèo, 2.423 gia đình có nhà mới để ở và rất nhiều hộ dân khác được hưởng nước sạch từ 2000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Giờ đây, nhiều hộ dân ở Kỳ Sơn có thêm niềm hy vọng khi một bộ phận con em được cắp sách tới trường. 900 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn theo chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. 519 thanh niên khác được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn còn giúp cho đồng bào mua hơn 40 nghìn con trâu, tạo ra hơn 40 nghìn việc làm mới và góp phần khôi phục 3 làng dệt thổ cẩm truyền thống. Tính từ năm 2010 đến nay, số hộ nghèo ở Kỳ Sơn đã giảm từ 80,2% xuống còn 52,7%. Nghĩa là sau 5 năm kiên trì “vượt núi”, “băng ghềnh”, các cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn đã làm được “kỳ tích” biến huyện nghèo nhất trong Top 3 đói nghèo ở Nghệ An thành huyện có tỷ lệ hộ nghèo và thoát nghèo là 1 - 1.

Những chuyển biến căn bản ở Kỳ Sơn cùng những nỗ lực của chính quyền cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được coi là “kỳ tích” nhưng thực tế, Kỳ Sơn vẫn là huyện nghèo của Nghệ An. Và để đạt được thành quả này, các cán bộ phòng giao dịch đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Bên cạnh nhiệt huyết và quyết tâm xóa nghèo còn phải kể đến các phong trào thi đua được triển khai tại Chi nhánh. Bà Vi Thị Khuyên cho biết chính các phong trào thi đua đã góp phần chủ yếu mang lại kết quả cho Phòng. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn đã xây dựng 8 đề án, sáng kiến kinh nghiệm, có giá trị thực tiễn cao, góp phần quan trọng trong quản lý, điều hành và cải thiện chất lượng tín dụng tại Kỳ Sơn.

Hôm nay, bộ mặt nông thôn vùng núi nơi biên ải Kỳ Sơn đã có nhiều thay đổi nhưng mảnh đất nơi có “đệ nhị trụ trời” Pu Lai Leng, vẫn thuộc diện nghèo nhất ở Nghệ An và cả nước. Tuy vậy, đổi thay lớn nhất và tích cực nhất là đồng bào các dân tộc ở đây đã chuyển biến căn bản trong nhận thức về tập quán canh tác, xóa bỏ dần du canh, du cư, tự cung, tự cấp và quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Câu chuyện về “kỳ tích” vượt núi cõng vốn đến với người nghèo dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn vẫn còn dài và còn lắm gian truân nhưng nó sẽ được các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện viết tiếp với sự tự tin đầy tinh thần lạc quan.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành