Ưu tiên vốn cho vùng miền núi nhằm giảm nghèo bền vững
Tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Ngoài triển khai những chính sách hỗ trợ giúp cải thiện đời sống hộ nghèo, cận nghèo vùng khó, UBND tỉnh đã tập trung vốn vào các dự án có tính bền vững; trong đó hướng chủ yếu tới vùng miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Hộ nghèo được chăm lo
Từ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo như khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi và cứu trợ trực tiếp…, hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được chăm lo, từng bước ổn định cuộc sống. Theo UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, hơn 194.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế và tổ chức hơn 89.600 lượt khám chữa bệnh ban đầu với số tiền 14 tỉ đồng. Hơn 26.400 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí và hơn 22.000 lượt học sinh được hỗ trợ chi phí học tập với số tiền hơn 13,9 tỉ đồng; 103 nhà hư hỏng và sập do mưa lũ cuối năm 2016 đã được hỗ trợ xây mới, 270 nhà tạm được hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà để hoàn thành từ nay đến cuối năm. Đồng thời, tỉnh còn hỗ trợ trực tiếp 5,7 tỉ đồng cho hơn 13.400 hộ thuộc xã bãi ngang và miền núi đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, chính sách vay vốn tín dụng đã giúp hơn 2.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được vay hơn 83,2 tỉ đồng phát triển sản xuất; học sinh sinh viên con em các hộ khó khăn cũng được vay vốn để yên tâm học tập với hơn 2.000 lượt hộ được vay, tổng số tiền 12,2 tỉ đồng.
Y Mòng ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) cho biết: Trước đây tôi chẳng bao giờ đi khám bệnh vì sợ tốn tiền. Nhà chỉ đủ gạo ăn lấy đâu ra tiền mua thuốc. Cứ có bệnh là tự mình chữa bằng lá hái trên rừng hoặc cúng Giàng. Bệnh chẳng khỏi hẳn mà cứ kéo dài hàng tháng. Từ khi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, tôi được khám bệnh và phát thuốc miễn phí, chỉ vài ngày sau là khỏi bệnh. Có sức khỏe, tôi làm nhiều việc hơn. Còn Mang Ty ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, chia sẻ: Đất sản xuất có mà tới mùa chẳng gieo cấy được vì không có tiền mua giống, mua phân. Nhờ được hỗ trợ vốn nên gia đình tôi đã duy trì được hoạt động sản xuất, có lương thực ổn định cuộc sống.
Theo ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, những chính sách này giúp các hộ vùng khó cơ bản ổn định cuộc sống. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng nó thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước tới người nghèo. Đó là sự động viên tinh thần rất lớn, góp phần gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, hướng tới mục tiêu chung là giảm nghèo bền vững nên UBND tỉnh đã tập trung vào những chính sách dài hơi với các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất gắn với quy hoạch vùng, nhằm tạo nền tảng đẩy mạnh phát triển kinh tế và cơ hội cho hộ nghèo vươn lên làm giàu.
Giảm nghèo bền vững
Thực hiện các dự án giảm nghèo bền vững, nguồn vốn Chương trình 30a và Chương trình 135 vẫn được coi là hai nguồn vốn nòng cốt cho hỗ trợ phát triển vùng miền núi. Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh triển khai 5 dự án thuộc dự án 30a, 135, hỗ trợ phát triển sản xuất, truyền thông về giảm nghèo và nâng cao năng lực giám sát chương trình; cùng với đó là 7 tiểu dự án nhỏ như hỗ trợ lao động hộ nghèo, phát triển sản xuất đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đầu tư hạ tầng cơ sở… Trong đó hai huyện miền núi Sông Hinh và Đồng Xuân được hỗ trợ hơn 3,1 tỉ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở. Những lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tạo điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí hỗ trợ 324 triệu đồng. 16 xã và 27 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được giao gần 1,7 tỉ đồng đã giải ngân hơn 1 tỉ đồng, đạt trên 61% kế hoạch. Đồng thời đối với các xã không thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135, UBND tỉnh cũng bố trí gần 2 tỉ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho hộ nghèo và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Theo ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, địa phương được nhận hơn 1,5 tỉ đồng cấp bổ sung từ Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ vào thực hiện tiểu dự án 1 về hỗ trợ cơ sở hạ tầng huyện nghèo. Có vốn, địa phương tiếp tục đầu tư vào các danh mục công trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, huyện chú trọng tới các công trình dân sinh, phục vụ cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất như thủy lợi, công trình nước tập trung, nhà rông văn hóa…
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất ở vùng khó như lúa lai, cánh đồng mẫu mía, sắn ở miền núi hay các mô hình chuyển đổi cây trồng ở xã bãi ngang. Thành công bước đầu là giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được kỹ thuật trồng lúa nước, người dân thấy được hiệu quả kinh tế của việc sử dụng giống tốt và sản xuất tập trung một cánh đồng lớn. Đây chính là nền tảng để thời gian tới đơn vị nhân rộng các mô hình sản xuất cơ giới hóa, hướng tới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp người dân ổn định sản xuất để thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 8,09%, tỉ lệ giảm nghèo trung bình đạt 2,2%/năm, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm. UBND tỉnh đảm bảo thực hiện mục tiêu các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục… Vùng miền núi, đặc biệt là các xã, thôn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ cải thiện về nhà ở, nước sinh hoạt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế
|