Xã Cát Tân nỗ lực giảm nghèo
Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Như Xuân, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện thông qua các chương trình hỗ trợ, chính sách ưu đãi phù hợp, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, xã Cát Tân đang ngày càng có nhiều chuyển biến mạnh trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 chiếm 75,12% thì đến năm 2014 giảm còn 32,93%.
Trước đây, người dân
xã Cát Tân thường đốt rẫy làm nương và khai thác lâm sản tự nhiên, đất trồng
lúa cằn cỗi, manh mún, chủ yếu là ruộng bậc thang, thường xuyên hạn hán nên
năng suất lúa đạt thấp.
Bên cạnh đó, phong
tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều, việc tiếp cận, ứng dụng
khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi chưa được chú trọng. Vì vậy bữa
đói, bữa no là chuyện thường ngày của người dân nơi đây. Xác định nhiệm vụ phát
triển kinh tế là trọng tâm, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, xã đã
thành lập ban xóa đói, giảm nghèo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành
viên phụ trách thôn, bản, trực tiếp điều hành, chỉ đạo sản xuất.
Là địa phương có thế
mạnh phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi, xã tuyên truyền, vận động nhân dân
tích cực tham gia trồng rừng theo dự án, nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ
rừng, đồng thời, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trồng,
chăm sóc cây lâm nghiệp cho nhân dân. Vì vậy, năm 2014 xã đã trồng mới được
50,6 ha rừng, trong đó trồng theo dự án là 12,9 ha với 8 hộ tham gia; tổ chức
diễn tập, lập kế hoạch, phương án phòng chống cháy rừng. Bên cạnh đó, xã đã nêu
cao tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng nổ của đội ngũ già làng, trưởng
thôn và các hội, đoàn thể, cán bộ khuyến nông trong việc phối hợp chỉ đạo, hướng
dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ
tới từng hộ dân; tổ chức các buổi hội thảo, trình diễn các mô hình khuyến nông
- khuyến lâm. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để nhân
dân tiếp cận vốn vay, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước,
chính sách dân tộc và miền núi được sử dụng đúng mục đích, đối tượng đã tạo
động lực để hộ nghèo có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, vươn lên phát triển kinh
tế. Ví như gia đình ông Lê Công Thu, thôn Tân Xuân thuộc diện hộ nghèo, năm
2009 được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng, ông vay mượn thêm anh em họ hàng mua
một cặp bò sinh sản về chăn nuôi. Nhờ cần cù chịu khó, lại được tham gia các
khóa tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh, tiêm
phòng, vệ sinh chuồng trại... Ông tiếp tục vay Ngân hàng Chính sách xã hội 5
triệu đồng mua thêm bò. Hiện, gia đình ông đã nhân đàn lên 10 con. Ngoài ra,
ông còn tham gia dự án trồng rừng kết hợp với các loại cây ngắn ngày khác như
ngô, sắn. Năm 2014, gia đình ông không những thoát nghèo mà còn được bình xét
là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Hay như bà Nguyễn
Thị Hảo, thôn Thanh Vân một mình nuôi hai con nhỏ, cuộc sống vô cùng khốn khó,
được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 2 triệu đồng và từ các nguồn vốn khác,
bà đầu tư mua một con trâu sinh sản. Từ chỗ chỉ có 1 con trâu, nay đã nhân đàn
lên 4 con. Đến nay, không những cuộc sống được cải thiện mà bà còn có điều kiện
nuôi 2 con học đại học. Năm 2014, nhận thấy cuộc sống đã bớt khó khăn, bà rút
khỏi danh sách hộ nghèo, đồng thời quyết tâm nỗ lực cố gắng phát triển kinh tế
để không tái nghèo.
Chỉ tính trong năm
2014, thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,
xã Cát Tân đã đầu tư làm được gần 2 km đường giao thông với số tiền gần 2 tỷ
đồng; đầu tư xây dựng công sở xã và một số hạng mục của trường mầm non... Thực
hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 30a, 135 và đã có
177 hộ được hỗ trợ mua gà, dê, lợn nái sinh sản, trâu, bò với số tiền gần 750 triệu
đồng để chăn nuôi, góp phần nâng tổng đàn trâu, bò của xã lên gần 500 con, đàn
lợn 1.350 con, đàn dê 200 con, gia cầm 13.200 con. Tổng diện tích gieo trồng
các loại cây hằng năm được 264 ha, trong đó diện tích lúa 2 vụ 213,02 ha, năng
suất bình quân đạt 52 tạ/ha; ngô 17,6 ha, năng suất đạt 35 tạ/ha và rau, đậu,
khoai lang...
Trao đổi với chúng
tôi, đồng chí Đinh Huy Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện tại xã đang
tập trung chỉ đạo bà con nhân dân duy trì, mở rộng diện tích lúa, đăng ký trồng
giống lúa theo mô hình bón phân viên dúi sâu; đẩy mạnh trồng các loại cây công
nghiệp như sắn, cao su, keo; đồng thời khuyến khích nhân dân phát triển chăn
nuôi theo hướng gia trại, trang trại; mở rộng và phát triển các loại hình dịch
vụ buôn bán nhỏ nhằm đáp ứng việc mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong
vùng, sớm đưa Cát Tân trở thành điểm sáng trong công tác xóa đói, giảm nghèo
của huyện Như Xuân.