Xã Ia Krăi vươn lên thoát nghèo

Ia Krăi là một trong những xã vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của huyện biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai), có trên 2.000 hộ với 8.000 nhân khẩu cùng sinh sống ở 15 thôn làng; trong đó có hơn 50% số dân là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Những năm gần đây, đời sống của bà con có nhiều chuyển biến tích cực và đang từng bước vươn lên xây dựng buôn làng ấm no, hạnh phúc.

Ông K'sor Thuyl, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krăi khẳng định: Bà con trong xã đang ngày càng có điều kiện hơn để phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Ngoài việc được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm, vấn đề quan trọng hơn vẫn là hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn chính sách ưu đãi để trồng trọt và chăn nuôi.

Hàng năm, tại xã có từ 250 - 300 hộ thoát nghèo khá bền vững cũng nhờ đồng vốn vay này. Đến nay trong toàn xã chỉ còn 670 hộ nghèo và phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm xuống còn khoảng 400 hộ (theo tiêu chí mới), chiếm 20% tổng số hộ trong xã.

Theo báo cáo của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia Grai, đến thời điểm này xã Ia Krăi có mức dư nợ khoảng 16 tỷ đồng, trong đó có 9 tỷ đồng cho các hộ nghèo vay để sản xuất, còn 7 tỷ đồng thuộc về các chương trình tín dụng khác như vay vốn làm công trình vệ sinh môi trường, nước sạch, vốn vay cho học sinh - sinh viên...

Bà Phạm Thị Đường, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cho biết: Hầu hết các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn chính sách đều phát huy có hiệu quả, bởi nhận thức của bà con ngày càng được nâng cao nên sử dụng đồng vốn đúng mục đích và thực hiện tốt việc trả nợ đúng thời hạn theo quy định.

Số nợ xấu hiện nay ở xã chỉ còn 55 triệu đồng, chiếm 0,32% so với tổng mức dư nợ - là một trong những xã có nợ xấu ở mức thấp nhất so với toàn huyện.

Gia đình anh Siu Toàn, người dân tộc J'rai ở làng Doch Tung đã 2 lần vay vốn chính sách với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng để chăm sóc vườn cà phê với hơn 400 cây và đang cho thu hoạch với năng suất cao. Ngoài việc đầu tư trồng cây cà phê, gia đình anh Siu Toàn còn trồng 1,2 ha cây điều, 5 sào sắn, mỗi năm gia đình anh có tổng mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ các loại cây trồng và thoát nghèo từ năm 2013.

Anh Siu Toàn tâm sự: "Trước đây, nhà nghèo bởi có đất mà không biết cách làm ăn và cũng không có tiền đầu tư. Sau này nghe theo lời cán bộ, mình được vay vốn chính sách và được hướng dẫn kỹ thuật chăm bón và chuyển đổi cây trồng nên bước đầu đã có được mức thu nhập đáng kể. Vợ chồng mình cũng đã dành dụm ít vốn mua thêm đất canh tác và trồng mới hơn 400 cây cà phê nữa và chắc chắn trong vài năm tới cuộc sống của gia đình sẽ khá hơn lên".

Gia đình chị Rơ Lan Nhan cũng ở làng Doch Tung đã 3 lần vay vốn chính sách với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng, số tiền vay được chị dùng để đầu tư trồng cây cà phê, điều, mua thêm bò để nuôi. Hiện nay, các loại cây trồng - vật nuôi đang phát triển tốt, riêng hơn 300 cây cà phê đã cho thu hoạch được 2 vụ với năng suất cao.

Chị Rơ Lan Nhan nói: "Vợ chồng mình cố gắng phấn đấu đến cuối năm 2015 này sẽ trả hết nợ tiền vay ngân hàng và cơ bản thoát nghèo. Hai vợ chồng sẽ nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn để biết cái chữ, sau này có kiến thức làm ăn và không phải chịu cảnh đói nghèo như cha mẹ nữa".

Tuy nhiên, qua công tác điều tra, rà soát, hiện nay trên địa bàn xã Ia Krăi vẫn còn 20% số hộ nghèo chưa được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách, chủ yếu là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo do không có nhu cầu vay vốn bởi trình độ của bà con còn thấp chưa biết cách làm ăn.

Bà Phạm Thị Đường, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia Grai, cho biết: Trong thời gian tới, Chi nhánh sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND xã Ia Krăi và các hội, đoàn thể trên địa bàn làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các hộ nghèo còn lại tiếp cận với nguồn vốn vay, trên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật và nâng cao về kiến thức trong cách nghĩ, cách làm ăn mới để phát huy hiệu quả đồng vốn vay. 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành