Xây dựng đường giao thông nông thôn: Mở đường đến tương lai

Nhiều năm trước, ý tưởng mở một con đường từ bản Rào Tre sang các bản người Sách, người Mã Liềng, người Chứt ở Quảng Bình đã được lập thành dự án, với mục tiêu “mở lối” cho cộng đồng người Chứt Hà Tĩnh. Nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là mong mỏi của các cấp chính quyền huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Cả năm bản có 4 tiếng khóc chào đời

Đến Rào Tre vào cuối buổi chiều ngày 26/2 nhưng bản vẫn vắng người. Hoạt động nhộn nhịp nhất của bản chỉ diễn ra ở 6 điểm dựng nhà mới mà các chiến sỹ Tổ công tác-Đồn Biên phòng 575 đang gấp rút thi công.

Chủ tịch UBND xã Hương Liên, ông Đinh Văn Sảnh, bảo, bản có 147 nhân khẩu thì hiện có 11 cháu đang học nội trú ở Trường PTTHDTNT huyện, 33 cháu độ tuổi mầm non và Tiểu học đang học tại trung tâm xã. Còn những người trong độ tuổi lao động thì đang đi rừng chưa về nên bản vắng người.

Đúng là không có gì lạ trước sự vắng vẻ của Rào Tre. Nhưng lạ ở chỗ, Chủ tịch UBND xã nhớ nằm lòng tên, tuổi của các thành viên trong bản. Thậm chí, ông còn đọc “vanh vách” số trẻ em ở bản Rào Tre được sinh ra trong từng năm.

“Năm 2014 và năm 2015, bản có 4 đứa trẻ chào đời. Năm 2016 là 3 trẻ. Riêng 2 tháng đầu năm 2017 thì đã có 2 bé chào đời”, ông Sảnh thông tin.

Dường như, đằng sau câu nói của ông Chủ tịch xã ẩn chứa sự lo lắng. Ông đếm từng đứa trẻ sinh ra ở bản không phải chỉ dừng lại ở việc quản lý nhân hộ khẩu mà quan trọng hơn, ông đang “đếm” sự phát triển của cộng đồng người Chứt. Sau 59 năm, cộng đồng người Chứt chỉ tăng từ khoảng 30 người lên thành 147 người như hiện nay.

Chủ tịch xã Hương Liên “nhớ nằm lòng” số trẻ sinh ra ở bản Rào Tre bởi ông cũng như các cấp ngành, đoàn thể của xã, của huyện luôn đau đáu vấn đề hôn nhân cận huyết của cộng đồng người Chứt nơi đây. Tình trạng này đã, đang và sẽ làm suy kiệt nòi giống của cộng đồng người Chứt ở Hà Tĩnh.

Ông Sảnh trầm ngâm nói: “Như năm 2015, trong 4 đứa trẻ được sinh ra thì có một cháu có bố mẹ là cậu-cháu. Đó là vợ chồng Hồ Viết Cương (38 tuổi), Hồ Thị Thành (35 tuổi). Xét về phả hệ, chị Thành phải gọi anh Cương bằng cậu ruột”.

Cưới nhau, Cương và Thành có 4 đứa con. Nhưng cô con gái đầu mới lọt lòng mẹ đã bị bại não rồi mất sau đó 2 tháng. Cậu con trai thứ ba cũng mất sau khi chào đời được 5 tháng vì mắc phải bệnh sưng phổi. Hai đứa con Hồ Viết Mạnh và Hồ Thị Thơm hiện đau ốm thường xuyên.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cứ 4 đứa trẻ sinh ra ở Rào Tre thì có 1 cháu phải chịu cảnh tật nguyền như cụt tay, cụt chân, hở hàm ếch…, hoặc phát triển không bình thường. Nguyên nhân chính dẫn đến con số đau lòng này được xác định là do hôn nhân cận huyết.

Mở lối!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cộng đồng người Chứt chấp nhận hôn nhân cận huyết. Có thể là vì hủ tục, nhưng cũng có thể là do chẳng còn cách nào khác bởi sau bao năm rời hang đá, họ vẫn chưa hòa nhập với cuộc sống mới. Tâm lý “ngại tiếp xúc” gần như bó buộc các đôi trai gái cùng huyết thống đến với nhau.

Sau những nỗ lực của các cấp chính quyền và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cùng với những chính sách khuyến khích, động viên, hiện đã có 5 thanh niên người Chứt ở Rào Tre đã thoát khỏi cảnh hôn nhân cận huyết. Có người lấy chồng người Kinh, người cưới vợ người Mã Liềng,… Dù ít nhưng đây là những “trái ngọt” đầu tiên sau bao năm chăm trồng.

 Theo Trung tá Nguyễn Quốc Phú, Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre-Đồn Biên phòng 575, dù có rất nhiều chính sách động viên, hỗ trợ người dân tộc khác kết hôn với người Chứt, nhưng thực tế rất khó khăn. Rào Tre nằm lọt thỏm trong thung lũng bao bọc bởi ngọn núi Cà Đay và thượng nguồn dòng sông Ngàn Sâu. Ba mặt là nơi sinh sống của người Kinh; Còn với cộng đồng dân tộc Sách, Mã Liềng,… ở Quảng Bình, người Chứt ở Rào Tre lại bị ngăn cách bởi đồi núi trập trùng.

“Cùng với tâm lý ngại tiếp xúc thì những khó khăn này cũng góp phần khiến người Chứt ở Rào Tre như sống giữa ốc đảo của chính mình”, Trung tá Phú chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Hương Liên, ông Đinh Văn Sảnh, chính quyền địa phương cũng đã nhận thấy “nút thắt” này trong việc bảo tồn, phát triển cộng đồng người Chứt ở Rào Tre. “Việc mở một con đường từ Rào Tre sang các bản người Sách, người Mã Liềng ở Minh Hóa, Quảng Bình có thể là giải pháp gỡ nút thắt này. Chỉ có mở đường thì người Chứt ở Rào Tre mới có cơ hội giao lưu, hòa nhập với các dân tộc khác”.

Ông Sảnh tính nhẩm, khoảng cách từ Rào Tre sang bản gần nhất ở huyện Minh Hóa chỉ 15 km. Nhưng do địa hình đồi núi, sông suối nên kinh phí mở đường sơ sơ cũng khoảng 100 tỷ đồng.

Có lẽ vì kinh phí quá lớn nên ý tưởng mở đường ở Rào Tre, dù đã được lập thành dự án nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Chính ông Chủ tịch UBND xã Hương Liên cũng như Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre vẫn cứ chép miệng khi nói đến dự án mở đường này. Nếu như đường được mở thì chắc hẳn, việc bảo tồn, phát triển cộng đồng người Chứt ở Rào Tre sẽ bớt nhọc nhằn hơn.

PV

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành