Xóa đói giảm nghèo bền vững ở Triệu Phong

Xóa đói giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước ta. Xác định tầm quan trọng đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều kết quả cao trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, nổi bật nhất là công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) đúng mục tiêu và bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,74%, ước đến năm 2015, hộ nghèo giảm xuống còn 6,39%. Hàng ngàn người dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Cùng với chính quyền, đoàn thể, những hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu lại chung tay hỗ trợ vốn, tạo việc làm, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, giúp những hộ nghèo khác làm ăn, ổn định cuộc sống.

Trao bò cho người nghèo

Để công tác XĐGN bền vững, huyện đã đề ra nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác XĐGN, giải quyết việc làm cho người dân. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các thành viên trong Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo – việc làm huyện đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu cao vai trò trong việc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn kiểm tra, giám sát và có nhiều kiến nghị, đề xuất giúp các địa phương thực hiện tốt chương trình XĐGN. Công tác tuyên truyền XĐGN được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú như tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình quốc gia XĐGN, những mục tiêu, giải pháp của địa phương; những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu, các mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao… giúp người dân có thể vận dụng làm theo. Công tác tổ chức điều tra xác định hộ nghèo được tiến hành thường xuyên, qua đó tổng hợp, phân tích các số liệu tỷ lệ hộ nghèo một cách khoa học, chính xác, tìm ra nguyên nhân dẫn đến nghèo, tái nghèo, từ đó, đề ra những biện pháp, kế hoạch thực hiện tốt hơn.

Trong quá trình điều tra luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc lập danh sách hộ nghèo cần điều tra và kết quả điều tra được công khai trước khi cấp giấy chứng nhận hộ nghèo. Đây là việc làm cần thiết, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mặt khác, các thông tin về hộ nghèo được cập nhật thường xuyên, đầy đủ làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp thực hiện giúp đỡ người nghèo được tốt hơn.

Theo số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm bình quân có trên 1.000 hộ nghèo, cận nghèo ở Triệu Phong được vay vốn. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo – việc làm huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến thủy hải sản… Nhờ đó, năng lực và chất lượng đào tạo nghề đã có chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề được tăng cường; ngành nghề đào tạo nghề ngày càng phong phú, đa dạng. 5 năm qua, huyện Triệu Phong đã mở 96 lớp đào tạo nghề cho 2.958 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40%, trong đó qua đào tạo nghề chiếm trên 33%. Tính riêng năm 2014, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện tổ chức 18 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân như: Thâm canh cây lúa bằng biện pháp 1 phải 5 giảm, sản xuất giống lạc bằng biện pháp cải tiến, kỹ thuật sử dụng phân bón Bồ Đề trên cây lúa, kỹ thuật nuôi tôm sú kết hợp rong câu, kỹ thuật trồng rừng kinh tế keo lưỡi liềm, dạy nghề nuôi cá nước ngọt… thu hút 525 lượt hộ nông dân tham gia, trong đó có 157 người thuộc hộ nghèo. Công tác đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người nghèo được học nghề, tay nghề được nâng cao, có việc làm, ổn định cuộc sống. Thông qua các lớp tập huấn, người dân, đặc biệt là người nghèo đã được trang bị những kiến thức mới, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong sản xuất làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo đối với học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho các đối tượng khó khăn vay vốn để xuất khẩu lao động; học sinh, sinh viên vay vốn để học tập và lập nghiệp… Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng luôn được chính quyền các cấp quan tâm. Tính riêng năm 2014, toàn huyện Triệu Phong có 8.500 người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, kinh phí gần 5 tỷ đồng; có 3.800 người cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế với tổng số tiền 1.376 triệu đồng. Bên cạnh đó, có 27.166 lượt người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí, với tổng số tiền nhà nước hỗ trợ là 1.144 triệu đồng; có 29.575 lượt người cận nghèo đến cơ sở y tế ở tuyến xã và tuyến huyện khám chữa bệnh, kinh phí nhà nước hỗ trợ thanh toán viện phí là 1.251 triệu đồng. Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và nguồn huy động tại địa phương, nhiều công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh như chợ nông thôn, nước sạch, đường giao thông, trạm y tế…. được xây dựng với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là các vùng khó khăn.

Có thể khẳng định, xã hội hóa công tác XĐGN của huyện Triệu Phong đã trở thành phong trào sâu rộng trong đời sống cộng đồng, huy động được sức mạnh tổng hợp từ các ngành, các cấp và mọi người dân tham gia, hưởng ứng tích cực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đây là việc làm mang tính xã hội hóa sâu rộng, khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các chính sách, giải pháp giảm nghèo, giải quyết việc làm đã từng bước mở ra cơ hội cho hàng ngàn người nghèo trong toàn huyện có vốn sản xuất, có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành