Xóa đói giảm nghèo nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Đà Bắc là huyện vùng cao nghèo của tỉnh Hoà Bình có diện tích tự nhiên rộng nhất tỉnh Hòa Bình. Với địa hình chia cắt, độ dốc lớn, huyện có 19 xã và 1 thị trấn, trong đó có tới 14 xã thuộc khu vực III, 5 xã khu vực II, 15 xã vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà. Bởi vậy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn.

Trước đây, Đà Bắc là huyện luôn có tỷ lệ đói nghèo ở mức cao nhất của tỉnh Hòa Bình. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do thiếu diện tích đất sản xuất, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Cơ sở hạ tầng tại các xã còn yếu kém, tuy mức đầu tư hỗ trợ sản xuất lớn nhưng do hệ thống đường giao thông nông thôn thiếu thốn nên gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, giá nông sản những cây trồng chủ lực lại thập hơn nhiều so với khu vực khác. Diện tích rừng núi lớn nhưng với địa thế phức tạp nên việc phát triển kinh tế rừng cũng gặp nhiều khó khăn

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đà Bắc xác định xóa đói giảm nghèo, cải thiện mức sống cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Huyện đã tranh thủ sự giúp đỡ của TW, tỉnh nhất là các chương trình, dự án như ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân lòng hồ qua các giai đoạn, dự án giảm nghèo, chương trình 135, dự án đa mục tiêu Đà Bắc; các dự án hỗ trợ và phát triển sản xuất. Đến nay, kết cấu hạ tầng của huyện đã có bước phát triển đáng kể. Đường giao thông có thể đi đến tất cả các xã, mở ra cơ hội giao lưu hàng hóa, cải thiện dân sinh. Hệ thống trường, lớp học từng bước được cứng hóa đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập. Hệ thống trạm y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. 20/20 xã, thị trấn có điện lưới đến trung tâm.

Các chính sách xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ và thu được những kết khả qua tại nhiều địa phương. Hiền Lương là vùng chuyển dân lòng hồ với gần 500 hộ dân. Người dân vén nhà theo con nước, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, xã đã phát huy nội lực, bước đầu khai thác tốt tiềm năng đất đai lao động, lợi thế vùng hồ, từng bước ổn định và nâng cao mức sống người dân. Ông Xa Văn Chính, Bí thư Đảng ủy xã Hiều Lương cho biết: Người dân được vay vốn, hỗ trợ KHKT phát triển sản xuất, năng suất lúa ngô được nâng lên đáng kể, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá tốt. Đặc biệt xã đã bước đầu khai thác tiềm năng mặt hồ phát triển ngành nghề nuôi cá lồng, mở mang ngành nghề tăm tre, chổi chít giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hạ tầng giao thông, trạm xá, nhà văn hóa cũng được đầu tư đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cán bộ và nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện công khai dân chủ và phát huy hiệu quả, người nghèo được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ công cộng. Với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của người dân nơi đây, năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 26,6%, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 14,5 triệu đồng.

Không chỉ ở Hiền Lương, tại nhiều xã của huyện Đà Bắc đã có bước tiến đáng kể về sản xuất và cải thiện cuộc sống người dân. Các xã Tu Lý, Hào Lý khai thác tiềm năng phát triển cây mía tím, rau đậu các loại kết hợp với chăn nuôi; các Cao Sơn phát triển cây ngô hàng hóa, kết hợp với trồng rừng; các xã vùng hồ tận dụng tiềm năng mặt nước hồ thủy điện phát triển ngành nghề nuôi, đánh bắt thủy sản. Xã Mường Chiềng trồng gừng, phát triển chăn nuôi lợn bản địa đem lại hiệu quả khá... Việc tổ chức thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo ở Đà Bắc như: vay vốn giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách cấp BHYT, bảo trợ xã hội… cũng được triển khai dân chủ, công khai đúng đối tượng và đã phát huy hiệu thiết thiết thực. Theo đó đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 5%/năm. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 54%, ước tính năm 2015 giảm xuống còn 29%, đến nay thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành