Xuất khẩu lao động vùng DTTS – cơ hội và thách thức

Nhiều lao động ở các huyện nghèo phải bỏ dở giấc mơ đổi đời nhờ xuất khẩu lao động. Không chỉ vì hạn chế về trình độ, nhận thức và thói quen của người lao động mà nguyên nhân còn ở sự lỏng lẻo trong việc phối hợp điều hành chương trình của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và ngành chức năng. Giải pháp được đưa ra lúc này là “Cần cái bắt tay chặt từ 3 bên”.

Chưa cần đến 5 năm để nhìn lại việc thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhà quản lý đều dễ dàng nhận ra một thực tế là nhiều lao động ở các huyện nghèo không muốn rời bỏ quê hương, bản làng đi xuất khẩu lao động, mặc dù ai cũng muốn có thu nhập cao hơn để thoát nghèo. Điều này lý giải vì sao cứ 10 lao động được đào tạo thì có tới 5 người không xuất cảnh. Có doanh nghiệp khi về địa phương tuyển lao động, hàng chục người đã hào hứng tham gia, thế nhưng khi đưa đi đào tạo thì họ bỏ về gần hết chỉ bởi lý do nhà của 1 người có đám giỗ, thế là cả nhóm về theo, không quay lại. Người chưa đi đã vậy, người đi rồi vẫn còn tình trạng làm việc chểnh mảng, nghỉ việc tùy tiện.

Ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai lý giải: Người lao động chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và ít tiếp xúc với bên ngoài, do đó kỷ luật lao động yếu. Khi sang các nước bên kia kỷ luật cao hơn và làm việc tác phong công nghiệp thì một số không chịu được, đi sớm về muộn hoặc là thích là nghỉ, lương không đảm bảo do thiếu ngày công, năng suất không có, hoặc tự ý bỏ việc nên bị doanh nghiệp bên kia chấm dứt hợp đồng, hoặc là do không được đáp ứng đúng công ăn việc làm như trong hợp đồng đã cam kết, cho nên họ đã tự bỏ về nước.

Chỉ vì trình độ nhận thức còn hạn chế, ngại di chuyển mà nhiều thanh niên được tuyển chọn, được đào tạo nghề…đã trở về với ruộng rẫy, chấp nhận cuộc sống quẩn quanh, thiếu thốn ở những bản làng xa xôi. Nhưng công bằng mà nói, cái khó còn đến từ những bất cập trong quá trình triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là tình trạng cán bộ địa phương làm công tác này hạn chế, nên việc tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu nguồn lao động cho doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu (khoảng 30% là người nghiện rượu, sức khỏe không đảm bảo); Thủ tục hành chính, vay vốn ngân hàng một số nơi còn phức tạp, thậm chí là tiêu cực…ảnh hưởng lớn đến lịch trình và số lượng lao động xuất khẩu. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại không thực hiện nghiêm túc quy trình đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động, nên nhiều người khi ra làm việc ở nước ngoài không đáp ứng được yêu cầu công việc, bị chủ sử dụng trả lương thấp hơn hợp đồng. Còn cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này lại thiếu đôn đốc, kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện của địa phương, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Hoan, Giám đốc Công ty đào tạo nghề xuất nhập khẩu lao động, Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng - đơn vị đưa được hơn 1.000 lao động ra nước ngoài theo Đề án 71 cho biết: Hiện chỉ còn khoảng 5 đến 6 doanh nghiệp tuyển lao động xuất khẩu, giảm khá nhiều so với hơn 30 doanh nghiệp tham gia khi mới triển khai. Ông Nguyễn Ngọc Hoan kiến nghị: các tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền và các hội nghị phải mang tính thực chất hơn, tránh hình thức, nếu không người dân sẽ mù tịt về thị trường. Cũng cần có sự kiểm tra giám sát thường xuyên từ Cục Quản lý lao động ngoài nước xuống đến các cơ quan ở các tỉnh thì mới đáp ứng được yêu cầu.

Rõ ràng, với xuất phát điểm thấp về trình độ, hạn chế về sức khỏe và ý thức kỷ luật làm việc chưa cao của người lao động cùng những bất cập vừa nêu, hành trình tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới sẽ khó bề cải thiện nếu thiếu cái bắt tay thật chặt giữa các bên liên quan, mà cụ thể ở đây là: Chính quyền địa phương- doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết: Quyết định 71, là chính sách đặc thù cho các huyện nghèo. Chúng tôi triển khai 5 năm nay, ban đầu thì kết quả tốt, nhưng gần đây có chiều hướng chững lại. Có nhiều lý do nhưng tới đây chúng tôi sẽ xem xét lại Quyết định 71, nếu rà roát lại, thấy rằng cần bổ sung cái gì thì trình với Thủ tướng bổ sung và phối hợp tốt để tổ chức việc này.

Tới đây, việc tuyển chọn và tạo nguồn lao động sẽ giao cho cả địa phương thực hiện cùng các doanh nghiệp; xem xét để quy trình thanh toán cho doanh nghiệp tham gia đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hướng đơn giản, gọn nhẹ hơn. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện quy trình giám sát “đầu ra” chặt chẽ hơn như kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm những doanh nghiệp để xảy ra rủi ro đối với người lao động mà không xử lý kịp thời, thay vì kiểm soát “đầu vào” bằng quá nhiều thủ tục như hiện nay.

Tuy nhiên điều quan trọng lúc này là phải làm cho người lao động và chính quyền các huyện nghèo ý thức hơn nữa trách nhiệm của mình mà chủ động tham gia thực hiện đề án một cách thực chất, hiệu quả, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân, xóa nghèo bền vững.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành