Bà con nghèo thì ráng giúp

Vượt khó vươn lên thoát nghèo từ 6 công đất bị nước mặn xâm nhập, rồi lại tự đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp và Xây dựng, tạo việc làm cho người nghèo. Mỗi công trình xây dựng tính ra chỉ lời chưa đến 20.000 đồng nhưng ông vẫn nhận làm. Người ta bảo ông là "ông gàn", nhưng đối với ông Sơn Mến, dân tộc Khmer, Chủ nhiệm HTX Ngân Lợi, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) thì đó là “cái gàn” có tình, có nghĩa.

HTX của người nghèo

"Hồi đó nhà tui nghèo rớt mùng tơi, căn nhà lá trống huơ, trống hoác, ọp ẹp xiêu vẹo trong gió. Hai vợ chồng có 6 công đất ruộng, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn không đủ ăn vì nước mặn xâm nhập. Cả năm chỉ làm được có mỗi một vụ". Ông bắt đầu câu chuyện về đời mình một cách giản dị. Làm hoài làm mãi vẫn không thấy khá hơn, ông và vợ tìm hiểu cách rửa phèn, quyết tâm biến "tấc đất thành tấc vàng".

Nỗ lực của gia đình ông cũng thành hiện thực. Từ một vụ lúa bấp bênh, đất được cải tạo chuyển thành 2 vụ rồi 3 vụ. Có tiền từ bán lúa ông lại mua thêm ít công đất, cứ thế đến giờ gia đình ông đã có 5ha đất nông nghiệp. "Hai vợ chồng tích cực làm ăn rồi cũng khá lên được. Nhưng ngó qua ngó lại xung quanh thấy vẫn còn nhiều nhà không đủ ăn. Nhìn thấy không đặng, tui đề xuất với xã cho thành lập HTX Nông nghiệp, quy tụ anh em nghèo cùng nhau hùn vốn sản xuất".

HTX mới thành lập gặp phải khó khăn trăm bề, bà con còn ngần ngại chưa quen với hình thức kinh tế tập thể, vốn chỉ có khoảng 30 triệu đồng. Đất đai lại phân tán hiệu quả không được bao nhiêu. "Lắm lúc tui muốn giải thể HTX về nhà làm cho khỏe vì làm HTX không được bao nhiêu lại phải ôm đồm nhiều thứ, nhưng nhìn bà con nghèo là lại không chịu được", ông Sơn Mến bứt rứt.

Nhận thấy cái bà con mình vẫn thiếu nhất là khoa học kĩ thuật, ông đi lên huyện học thêm các kĩ năng quản lý HTX, mời kĩ sư nông nghiệp về mở lớp tuyên truyền kĩ thuật cho các xã viên. Dần dần có kĩ thuật, xã viên làm ăn có hiệu quả hơn. HTX ngày càng phát triển đã thu hút được 12 xã viên trong đó có 9 xã viên là người Khmer, với số vốn lên đến 60 triệu đồng. Năm 2004, nhận thấy nhu cầu xây dựng ở nông thôn như xây đường lộ, xây nhà tình nghĩa rất cao, ông thành lập thêm mảng xây dựng, nhận thầu các công trình xây dựng tại địa phương. Nhờ đó, tạo thêm nhiều việc làm với thu nhập 80.000 đồng/1 ngày cho hàng chục lao động, chủ yếu là người Khmer nghèo.

Gia đình anh Sơn Định, ấp 11, xã Lương Nghĩa 5 nay vẫn thuộc hộ nghèo, vì hai vợ chồng không có đất sản xuất, chỉ có một miếng đất nho nhỏ trồng rau quanh nhà không đủ ăn. Thấy thế ông Mến kêu vào làm công nhân đội khoan giếng. Chỉ qua hai mùa chăm chỉ làm ăn, anh đã dành dụm được 7 triệu đồng mua con trâu giống; kinh tế phát triển, đời sống ổn định.

Trách nhiệm với đồng bào

"Mỗi công trình xây dựng mà lời chưa đến 100.000 đồng người ta đã chạy dài. Cả trăm doanh nghiệp đó không ai chịu thầu, huống chi ở đây lời chưa tới 20.000 đồng mà ổng vẫn xông vô làm". Ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch xã Lương Nghĩa nói như thể vẫn chưa tin. Thực hiện quyết định 112, thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, xã Lương Nghĩa có 564 hộ được thụ hưởng xây dựng nhà vệ sinh. "So với mức hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng thì giá thành xây dựng cao hơn rất nhiều lần. Đa số các hộ được thụ hưởng đều là hộ nghèo không có nhiều điều kiện đầu tư thêm. Nếu đưa trực tiếp đến từng hộ dân thì hiệu quả sẽ rất thấp và khó quản lý. Chúng tôi mới nghĩ ra việc hợp tác với nhà thầu mang vật liệu đến xây dựng cho từng nhà. Nhưng với mức phí thấp như vậy các nhà thầu đều chạy dài, chỉ có ông Sơn Mến đồng ý nhận thầu. Ổng còn vẽ ra bản vẽ một cách cụ thể, công trình như thế nào, hiệu quả sử dụng ra sao. Thấy rất hợp lý" - ông Trung kể lại.

Ông Sơn Mến suy nghĩ, đã cam kết là phải làm cho được. Để mua được vật liệu giá rẻ, ông cất công đi đến tận Lái Thiêu, Bình Dương thương lượng với người ta mua bồn cầu rẻ được mỗi cái 10.000 -15.000 đồng. Ông cũng họp với Ban Quản lý HTX về chi phí xây dựng. Ông vẫn trả đủ tiền công cho thợ tham gia, phần của mình ông không tính. Anh em làm còn ông bỏ công đôn đốc. Ông biểu "Tui chỉ muốn giúp địa phương phát triển, vệ sinh môi trường và giúp bà con trong xã mình. Cứ nhìn mấy người già trời mưa gió vậy mà cứ phải cặm cụi ra ngoài sông, tui chịu không được". Nhiều hộ nằm tuốt ở trên đồng xa, phải dùng sức người vận chuyển vật liệu vài cây số. Ông Mến căn dặn tốp thợ, đường xa, vất vả nhưng vẫn phải làm cho chất lượng, nhà nào cũng như nhà nào, không phân biệt.

Chị Thi Phi, ấp 10, xã Lương Nghĩa xúc động tâm sự: "Chỉ lắp cái ống thông hơi giá 15.000 đồng là nhà vệ sinh có thể sử dụng nhưng gia đình không có kinh phí. Ông Sơn Mến bỏ tiền túi ra cho để gia đình lắp ống đưa công trình vào sử dụng".

Gia đình Đặng Văn Mến, ấp 11, vay tiền ngân hàng chính sách để vừa láng lại nền nhà và cải tạo thêm công trình vệ sinh. Nhưng chờ mãi vẫn chưa được giải ngân, trong khi mùa mưa bão đã đến. Ông Sơn Mến cho vay, khi nào gia đình có thì trả lại. Công trình đã làm xong cả tháng, ông vẫn ghé qua xem gia đình sử dụng bị vướng mắc gì không.

Chỉ vỏn vẹn có nửa năm từ cuối năm 2009 đến 6/2010, HTX của ông đã hoàn thành 564 nhà vệ sinh. "Ban đầu tính là lời 20.000 đồng/1 cái nhưng đến khi tổng kết lại thì không lỗ là may lắm rồi". Ông cười trừ. Vậy mà khi huyện Long Mỹ đề nghị ông xây nhà vệ sinh cho các xã khác, ông vẫn không ngần ngại nhận lời. Rồi các công trình nước sạch, nhà tình nghĩa, các công trình hỗ trợ của Nhà nước, ông Sơn Mến xắn tay vào làm với trách nhiệm vì đồng bào, chẳng đặt vấn đề lời lãi. Không lúc nào là thấy ông rảnh rỗi, sáng người ta thấy ông còn ở xã Xà Phiên, chiều đã chạy sang Lương Nghĩa.

Khi người ta nhắc tới ông, ông chỉ cười xòa "Tui là người dân tộc, thấy bà con mình còn nghèo, có gì mình có thể giúp được thì cũng ráng giúp, chứ có làm việc gì to tát đâu".

Nguyễn Lê
Nguồn Báo Dân tộc và Phát triển

[TT: N.T.P]

 In bài viết
Văn bản điều hành