Bắc Hà: Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, già làng, trưởng thôn bản ở cơ sở
Đội ngũ cán bộ, già làng, trưởng thôn bản ở các xã vùng cao là nhân tố quan trọng giúp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nên những năm qua, huyện Bắc Hà đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này. Nhờ đó, các chương trình, dự án đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn.
Bà Lục Thị Nha, Trưởng Phòng Lao động-Thương bình và Xã hội (LĐTB&XH) Bắc Hà cho biết: Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, già làng, trưởng thôn bản ở các xã là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt, quyết định đến chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Vì vậy, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện CT 135 giai đoạn II, Ban Chỉ đạo của huyện đã xác định nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng được đặt lên hàng đầu.
Từ năm 2006 đến nay, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ 700 triệu đồng, Bắc Hà đã mở được hàng chục lớp tập huấn, với những nội dung chủ yếu: cơ chế quản lý CT 135 giai đoạn II; cách thức quản lý các dự án đầu tư; giám sát công trình; phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia của người dân; những vấn đề cơ bản về quyền hạn và nghĩa vụ của chủ đầu tư; đánh giá, báo cáo tổng hợp, thanh quyết toán công trình, kinh tế trang trại, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt các loại cây nông nghiệp, thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở... với trên 3.200 học viên là chủ tịch, phó chủ tịch, kế toán UBND xã, các trưởng thôn, trưởng bản, già làng có uy tín, cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ làm công tác Mặt trận, các đoàn thể và bồi dưỡng cộng đồng, đào tạo nghề cho thanh niên DTTS. Để chương trình đào tạo phù hợp với trình độ, kiến thức của các học viên, Phòng LĐTB&XH huyện đã tổ chức đào tạo theo hình thức vừa học lý thuyết vừa tổ chức cho các học viên đi thực tế, thăm quan các mô hình nông dân sản xuất giỏi trong huyện, như: tổ chức thăm quan, học tập các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển rừng, giám sát các công trình xây dựng cơ bản ở các xã Cốc Lầu, Nậm Khánh...
Cách đào tạo này đã đem lại hiệu quả, chất lượng rõ rệt, cán bộ cơ sở từ chỗ không hiểu thế nào là dự án; quyền và trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong việc giám sát thực hiện các dự án trên địa bàn đến nay cán bộ cơ sở nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng DTTS và miền núi; cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện CT 135; quản lý dự án đầu tư, giám sát, đánh giá, báo cáo tổng hợp thanh quyết toán vốn... qua đó đã góp phần quan trọng cùng với các ban, ngành chức năng giám sát thi công xây dựng hạ tầng cơ sở; triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn có hiệu quả.
Có thể khẳng định, dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã là một trong những dự án đầu tư trực tiếp cho con người, giúp cho đội ngũ cán bộ xã có đủ năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; biết cách tổ chức thực hiện, điều hành các dự án, đặc biệt là khi xã đứng ra làm chủ đầu tư và tổ chức giám sát, sử dụng, bảo dưỡng các công trình. Và cái được lớn nhất mà chương trình mang lại đó là thông qua các lớp tập huấn, đào tạo này, người dân trong vùng có điều kiện nâng cao dân trí, hiểu biết trên nhiều lĩnh vực.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, thời gian tới, Phòng LĐTB&XH huyện tiếp tục chú trọng và nâng cao trình độ, năng lực cán bộ các xã ĐBKK. Trong đó, tập trung tổ chức các lớp tập huấn về quản lý kinh tế, giám sát, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp để phát triển sản xuất; quy hoạch, sắp xếp cán bộ phù hợp với trình độ chuyên môn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: Nguyễn Chí Thức
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 73/2009)
[TT: H.T.N]