Cần bám sát nhu cầu thực tế trong bồi dưỡng nguồn nhân lực Hợp tác xã
Kinh tế hợp tác, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đang trên hành trình “vật lộn” để trụ vững và phát triển trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh gay gắt. Một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của HTX chính là chất lượng nguồn nhân lực.
“Bình mới, rượu cũ”
Sau khi Luật
HTX năm 2012 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013), các HTX buộc phải
chuyển đổi theo luật mới. Một trong những thay đổi lớn nhất khi các HTX chuyển
đổi là thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý. Các tên gọi “Ban Chủ nhiệm”, “Chủ nhiệm
HTX” buộc phải thay bằng “Hội đồng quản trị”, “Giám đốc HTX”.
Sự thay đổi
này không đơn giản là “thay tên, đổi họ” mà bản chất là sự thay đổi từ nhận thức
đến hành động của cán bộ quản lý HTX. Chuyển đổi theo Luật HTX 2012, các HTX hoạt
động không khác gì một doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi năng lực của cán bộ quản
lý phải được nâng lên, xứng tầm là người đứng đầu một doanh nghiệp độc lập
trong thời buổi cạnh tranh gắt gao.
Nhưng sau gần
5 năm chuyển đổi theo mô hình hoạt động mới, các HTX đã thực sự có sự chuyển biến
mạnh mẽ về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý? Đáng tiếc, câu trả lời là chưa!
HTX Nông lâm
nghiệp Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) có 31 xã viên, với 5 cán bộ
làm công tác quản lý, điều hành. Trong 5 cán bộ quản lý chỉ có 2 người có trình
độ trung cấp; 3 người chưa qua đào tạo, trong đó có Giám đốc HTX-ông Ma Phúc Giải.
Theo chia sẻ của ông Giải, trước đây ông là bí thư chi bộ, trưởng thôn, lại có
ít kinh nghiệm kinh doanh buôn bán nên được UBND xã Phúc Sơn giao trách nhiệm “dẫn
dắt” HTX.
Đây cũng là
tình trạng chung của rất nhiều HTX trên cả nước, nhất là các HTX nông nghiệp. Theo
thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn) thì hơn một nửa cán bộ quản lý HTX trên cả nước hiện chưa
qua đào tạo, chủ yếu trưởng thành từ kinh nghiệm thực tiễn. Một cuộc khảo sát của
Cục này trong tháng 2/2017 tại 80 HTX khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy,
có đến 53% cán bộ quản lý HTX có trình độ học vấn cấp 2, chỉ khoảng 27,5% HTX
có chủ tịch HĐQT có trình độ từ trung cấp trở lên.
Năng lực cán
bộ HTX yếu là vấn đề “đau đầu” nhất khi phát triển các mô hình HTX kiểu mới. Trình
độ năng lực hạn chế khiến đội cán bộ gặp không ít khó khăn trong quá trình quản
lý, điều hành HTX, chưa nói đến đưa HTX phát triển.
Như HTX Phúc
Sơn (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) chủ yếu cung ứng giống, vật tư nông lâm nghiệp.
Do vậy, thu nhập của Hội đồng quản trị HTX cũng chỉ dao động từ 2-4 triệu đồng/tháng.
Theo Giám đốc Ma Phúc Giải, HTX muốn mở rộng thêm nhiều dịch vụ như tiêu thụ
nông sản cho người dân, vừa tạo được mối liên kết, vừa nâng cao thu nhập cho
thành viên trong ban quản trị nhưng do không được đào tạo bài bản nên lo ngại
trong quá trình hoạt động sẽ gặp rủi ro. “Đề án” mở rộng hoạt động của HTX đành
phải “treo”.
Đào tạo cán bộ quản lý-Yêu cầu cấp thiết
Thực tế, sau
khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, cùng với việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi
các HTX, nhiều địa phương đã triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán
bộ quản lý HTX. Kinh phí bỏ ra nhiều, số lượng cán bộ HTX được bồi dưỡng, tập
huấn cũng không ít, nhưng “bình mới” mà “rượu vẫn cũ”. Nguyên nhân chính là do nội
dung đào tạo, bồi dưỡng vẫn nặng tính lý thuyết, xa rời thực tế.
Như tỉnh Bắc
Giang, năm 2016, tỉnh tổ chức 9 khóa học, bồi dưỡng, tập huấn cho khoảng 580 lượt
cán bộ quản lý HTX trên địa bàn, với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Nội
dung bồi dưỡng, tập huấn là tập trung phổ biến Luật HTX năm 2012 và các văn bản
có liên quan đến hoạt động của HTX; nhận thức về kinh tế thị trường và hội nhập
quốc tế; quản trị đối với HTX;…
Không biết tập
huấn, bồi dưỡng thế nào mà tính đến hết tháng 8/2016, toàn tỉnh này có 23 HTX
phải làm thủ tục giải thể, 222 HTX (trên tổng số 683 HTX toàn tỉnh) ngừng hoạt
động (dẫn theo Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể số 2693/KH-UBND, ngày
05/9/2016 của UBND tỉnh Bắc Giang).
Có bồi dưỡng,
tập huấn nhưng bồi dưỡng, tập huấn không sát với thực tế đang khiến ngân sách bố
trí phát triển kinh tế tập thể đang bị lãng phí. Như ở Bắc Giang, trong năm
2017, tỉnh này tiếp tục mở 6 lớp để đào tạo, bồi dưỡng cho 400 lượt cán bộ quản
lý HTX, với tổng kinh phí dự kiến 500 triệu đồng. Nội dung tập huấn vẫn là bồi
dưỡng kiến thức pháp luật và các chương trình hỗ trợ phát triển HTX (?!).
Để có một đội
ngũ cán bộ quản lý HTX có đủ trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ thì
rõ ràng, cách bồi dưỡng, tập huấn như hiện nay là “không ổn”. Đào tạo thiếu lộ
trình, thiếu bài bản, không sát với thực tiễn không chỉ làm lãng phí tiền của
mà còn làm cho năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng “cùn”.
Do vậy, các
địa phương cần chủ động tìm những cách thức đào tạo, tập huấn sâu sát và đội
ngũ giảng viên giỏi... nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ quản
lý các HTX. Đây sẽ là chìa khóa để đẩy nhanh, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi mô
hình HTX kiểu mới, đưa lĩnh vực kinh tế tập thể phát triển.
PV