Chương trình 135 động lực phát triển vùng dân tộc miền núi Quảng Ninh
Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Quảng Ninh có 30 xã đặc biệt khó khăn và 29 thôn bản đặc biệt khó khăn nằm ở các xã khu vực II được thụ hưởng. Đây là các xã, thôn, bản xa trung tâm, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nội lực để phát triển thấp. Vì thế, nguồn đầu tư của Chương trình 135 đã trở thành động lực to lớn giúp đồng bào các dân tộc nơi đây có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Nhận thức rõ khâu yếu nhất là năng lực, trình độ cán bộ cơ sở chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện Chương trình mang lại hiệu quả cao nhất, tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiệm vụ đầu tiên trong hợp phần của Chương trình 135 là nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ xã. Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường phổ cập kiến thức, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao những tiến bộ khoa học tiên tiến trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi... cho đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản để họ tuyên truyền tổ chức thực hiện và vận động nhân dân tham gia. Trong năm 2010, toàn tỉnh đã tổ chức được 86 lớp tập huấn cho cán bộ xã, thôn, bản với tổng kinh phí 935 triệu đồng... Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Quảng Ninh đã tập trung nguồn vốn đầu tư hệ thống công trình thuỷ lợi nhỏ bê tông hoá đập thuỷ lợi, kiên cố hoá kênh mương; ưu tiên hỗ trợ về giống, phân bón, xây dựng các mô hình điểm; đẩy mạnh tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi... Các công trình giao thông, trường học, trạm y tế, chợ, nước sinh hoạt... đều được làm kiên cố, vững chắc và có sự phối hợp kiểm tra, giám sát để kịp thời điều chỉnh, loại bỏ những sai phạm trong quá trình thi công. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2010, đã có 40 công trình giao thông; 35 công trình đập, kênh mương, cầu cống; 7 công trình nhà văn hoá; 7 công trình điện; 1 trạm y tế xã, 1 công trình nước sinh hoạt... được sửa chữa, nâng cấp.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Quảng Ninh thực hiện đẩy mạnh hỗ trợ các dịch vụ xã hội như: Trợ giúp pháp lý, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, với việc thành lập hàng chục câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khu vực II. 9 tháng đầu năm 2010, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức 5 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện: Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà cho 23 xã thuộc Chương trình 135 với 750 lượt người tham gia; khuyến khích, hỗ trợ các nhóm hộ, gia đình lập mô hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp tạo ra hàng hoá; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện vay vốn phát triển sản xuất bằng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội...
Bằng nguồn vốn của Chương trình 135 kết hợp với một số nguồn vốn khác, đến nay 100% các xã khó khăn của tỉnh trong đất liền đã có đường ô tô tới trung tâm xã; có trạm y tế; điểm bưu điện văn hoá; 100% học sinh từ lớp mẫu giáo 3-5 tuổi đến các cấp học là con hộ nghèo người dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ. Như vậy, từ năm 2006 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách của Trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các xã, thôn, bản nằm trong Chương trình hơn 16 tỷ đồng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng gần 106,6 tỷ đồng v.v... Những kết quả tích cực đó cho thấy Chương trình 135 là động lực to lớn cho vùng dân tộc, miền núi Quảng Ninh để đồng bào vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu. Động lực ấy, không chỉ là từ những công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển... mà còn giúp cho bà con phát huy ý thức tự lực tự cường, ý chí làm giàu và niềm tin với Đảng, với Nhà nước luôn cùng chung tay giúp bà con vươn lên.
Đánh giá hiệu quả Chương trình, ông Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định: Chương trình 135 thực sự đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo các xã, thôn, bản vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trên những bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đang ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất và tinh thần; nhiều hộ đã tự túc được lương thực, không còn hộ đói triền miên, tình trạng du canh du cư cơ bản chấm dứt... Chương trình đã góp phần tích cực vào mục tiêu xoá đói, giảm nghèo chung của Quảng Ninh. Tính riêng trên vùng đồng bào, đến nay toàn tỉnh đã có 6 xã cơ bản hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135 và ra khỏi danh sách xã nghèo đặc biệt khó khăn. Hiện Quảng Ninh chỉ còn 24 xã đặc biệt khó khăn và 31 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II thụ hưởng Chương trình 135.
Hải Minh
Nguồn: Bản tin 135 - Tháng 11/2010)
[TT: H.T.N