Công tác đào tạo cán bộ vùng dân tộc ở Bạc Liêu: Yếu và thiếu
Bạc Liêu hiện có 32/61 xã được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Đa số các xã đều nằm xa trung tâm kinh tế, nhiều xã là vùng căn cứ cách mạng, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, cơ sở hạ tầng kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn so với các vùng khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ cơ sở ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bạc Liêu cho rằng: Hiện phần lớn đội ngũ cán bộ cơ sở hạn chế về năng lực, trình độ, nhất là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc đánh giá, nhận xét, bố trí, sử dụng cán bộ có trường hợp chưa hợp lý. Công tác quản lý cán bộ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; việc quy hoạch cán bộ trẻ, nữ DTTS còn bị động, thiếu nguồn, việc bổ sung, điều chỉnh không kịp thời. Từ đó, chưa khuyến khích cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại vùng khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách cho sinh viên về công tác ở cơ sở còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tiếp nhận và giữ sinh viên ở lại với cơ sở.
Để khắc phục tình trạng trên, các cấp uỷ đảng tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ trong tỉnh phát triển.
Hằng năm, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, Ban Tổ chức cấp uỷ các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ cơ sở đạt chuẩn quy định cho 386 đối tượng. Trong đó, nữ chiếm 17%, DTTS chiếm 10%. Còn lại là đội ngũ cán bộ hiện đang công tác tại các cơ quan hành chính trong tỉnh. Ngoài các lớp đào tạo tập trung chuyên môn như luật, nuôi trồng thuỷ sản, kế toán, địa chính... tỉnh còn tuyển chọn một số cán bộ dự nguồn đưa đi học. Đối tượng tuyển chọn là học sinh đã tốt nghiệp trung học đang sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn. Sau khi tốt nghiệp, phần lớn số học viên trên được bố trí công tác ở cơ sở phù hợp năng lực và chuyên môn được đào tạo.
Ngoài ra, các huyện thị còn thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng và tập huấn chuyên môn như: quản lý Nhà nước, kiến thức quốc phòng, công tác tuyên giáo... nhằm nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Ngoài ra, Bạc Liêu cũng thực hiện thí điểm thu nhận sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở phường, xã, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đây là nguồn cán bộ trẻ, có trình độ, là lực lượng kế thừa cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo phường, xã.
Tuy nhiên, trước tình hình thực tế thừa nhân lực yếu, thiếu nhân lực chất lượng như hiện nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Trung ương cũng cần xây dựng cơ chế chính sách để giải quyết hợp tình đối với số cán bộ cơ sở hạn chế về trình độ, năng lực, chưa đạt chuẩn và lớn tuổi nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời hạ tiêu chuẩn đầu vào cho cán bộ cơ sở người DTTS học các lớp trung cấp chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị phù hợp với điều kiện thực tế của đội ngũ cán bộ ở các xã khó khăn.
Bài và ảnh: Ngọc Lan