Dự án đào tạo cán bộ cơ sở, cộng đồng: Số lượng chưa song hành với chất lượng

Thực hiện Dự án Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cấp xã, thôn bản thuộc Chương trình (CT)135 giai đoạn II, trong 3 năm (từ 2006 – 2008), tỉnh Quảng Nam được Trung ương phân bổ tổng kinh phí đào tạo gồm 7 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2006-2007, Quảng Nam đã tổ chức tập huấn cho 5.118 lượt cán bộ cơ sở, với 11 chuyên đề như: tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hướng dẫn lập hồ sơ và quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng như sử dụng, sửa chữa các công trình xây dựng cơ bản trong CT 135, quản lý các chính sách đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn, công tác giám sát cộng đồng thuộc CT 135...

Năm 2008, Quảng Nam thực hiện chủ trương giao toàn bộ kinh phí cho cấp huyện để các huyện tổ chức lập kế hoạch, điều chỉnh nội dung đào tạo sát với tình hình thực tế ở từng địa phương... Nhằm nâng cao chất lượng, Ban Quản lý Dự án Đào tạo các huyện đã phối hợp với UBND các xã rà soát lại đối tượng tham gia lớp đào tạo, bao gồm: cán bộ xã, cán bộ được cử tăng cường xuống xã, cán bộ thôn bản, các hộ sản xuất giỏi. Ngoài các nội dung tập huấn, đào tạo, các học viên được trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm trong sản xuất, nghe báo cáo tham luận của các hộ sản xuất giỏi. Cách làm này giúp các học viên trang bị thêm được nhiều kiến thức quản lý, sản xuất áp dụng tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Dự án Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở của tỉnh Quảng Nam vẫn bộc lộ một số hạn chế như thời gian triển khai dự án quá muộn so với kế hoạch năm (ở huyện Tây Giang, Nam Trà My...); lập dự toán chưa phù hợp, dẫn đến không giải ngân hết số kinh phí được Trung ương phân bổ; nhiều xã không thực hiện được công tác thống kê, phân loại trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, nhu cầu đào tạo..., do đó, số lượng cán bộ tham gia đào tạo ở các lớp thì đông, nhưng việc vận dụng kiến thức đã học để triển khai, áp dụng ở các địa phương thì rất hạn chế.

Ông Trần Văn Tẩn, Phó Phòng Chính sách (Ban Dân tộc Quảng Nam) cho rằng, cán bộ được tập huấn chủ yếu về mặt lý thuyết, ít được tham gia vào mô hình thực tế, do đó áp dụng vào thực tế thì còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như việc giám sát thi công, chất lượng công trình thì ở thôn, bản khó mà biết được tận tường. Chính vì vậy, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 12/53 xã ĐBKK trong tỉnh mạnh dạn xin được làm chủ đầu tư...(!).

Kế hoạch vốn năm 2009, tỉnh Quảng Nam dành 3 tỷ 420 triệu đồng (60 triệu đồng/xã) thực hiện Dự án Đào tạo cán bộ cơ sở. Rút kinh nghiệm từ những hạn chế nêu trên, Ban Chỉ đạo Chương trình đã yêu cầu các địa phương nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện các hợp phần Chương trình, tìm hiểu rõ nguyên nhân hạn chế, vướng mắc. Qua đó, điều chỉnh, khắc phục những yếu kém, hạn chế, đặc biệt, phải phân loại được trình độ, năng lực của cán bộ để có phương pháp, hình thức đào tạo phù hợp...

Bài và ảnh: Nông Văn Lập

 In bài viết
Văn bản điều hành