Hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học đối với lao động nữ thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số…

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015" (số 295/QĐ-TTg, ngày 26/2/2010). Theo đó, lao động nữ sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa và được vay vốn để tự tạo việc làm nhằm tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ khu vực nông thôn, phụ nữ độ tuổi trung niên, phụ nữ DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng di rời giải toả.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2015, trên 70% lao động nữ được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và việc làm; tỷ lệ lao động nữ trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề đạt 40%, trong đó tăng nhanh tỷ lệ lao động nữ được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề; tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%.

Các cơ sở dạy nghề, giới thiệu việc làm thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cấp Hội phụ nữ thực hiện tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và tạo việc làm cho khoảng 100.000 phụ nữ hàng năm, trong đó khoảng 50.000 lao động nữ được đào tạo nghề.

Đối tượng được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm là lao động nữ trong độ tuổi lao động, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người trong diện thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp.

Lao động nữ thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ bị mất việc làm trong các DN được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế). Ngoài hỗ trợ chi phí học, các đối tượng này còn được hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000đ/ngày thực học/người, hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000đ/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Trường hợp lao động nữ thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo thì được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học; đối với lao động nữ khác thì mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người/khóa học.

Ngoài ra, lao động nữ học nghề được vay vốn để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nữ làm việc ổn định tại chỗ (nơi cư trú) sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay học nghề.

Lao động nữ là người dân tộc thiểu số thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo học các khóa học trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú.

Ngoài hỗ trợ học nghề, Đề án nêu rõ, lao động nữ sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm. Đồng thời, sau khi học nghề tham gia sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm, lao động nữ còn được ưu tiên hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.

Mỗi lao động nữ chỉ được hỗ trợ học nghề 1 lần theo chính sách của Đề án này. Những người đã được hỗ trợ học nghề theo các chính sách khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án. Riêng những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của Đề án này nhưng tối đa không quá 3 lần.

[N.V.P]

 In bài viết
Văn bản điều hành