Học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ nhiều hơn
Học phí tăng nhưng sẽ không là gánh năng cho các gia đình khó khăn mà ngược lại khi áp dụng mức học phí mới, con em của những gia đình khó khăn sẽ có nhiều cơ hội hơn để đi học. Bởi bản chất của việc tăng học phí là mang đậm tính nhân văn.
Điều này đã được Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định khi giải thích vì sao phải đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục trong thời điểm này.
Sự bất hợp lý trong thu chi
Theo thống kê, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục từ năm 1999 đến năm 2008 tăng 5,8 lần (ngân sách giáo dục năm 1999 là 14.000 tỷ đồng, năm 2001 là 81.400 tỷ đồng).
Năm 2001, tổng thu học phí ở tất cả các cấp giáo dục công lập từ mầm non đến đại học chiếm 8,2% tổng chi cho giáo dục (gồm chi từ ngân sách và từ học phí), năm 2005 là 7,3% năm 2006 là 6,7%, năm 2008 là 5,5% và nếu khung học phí hiện nay vẫn giữ đến năm 2011 thì tỷ lệ này chỉ còn 4%. Tức là càng ngày đóng góp của học phí vào tổng chi đào tạo ở các trường càng giảm, năm 2011 chỉ bằng ½ năm 2001.
Trong khi đó khung học phí 10 năm không thay đổi, điều này dẫn đến hậu quả tổng nguồn lực của đất nước huy động cho giáo dục đào tạo vẫn rất hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo gây bất hợp lý thêm trong hệ thống giáo dục.
Mặt khác, do sự mất giá của đồng tiền, nên 180.000 đồng/tháng học phí đại học năm 2008 so với năm 1998 khi khung học phí ban hành thì chỉ có giá trị 90.000 đồng/tháng.
Trong khi đó quy mô học sinh học nghề trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên cao đẳng, đại học tăng 2,3 lần (năm 1998 có 1,84 triệu học sinh học nghề, sinh viên, năm 2008 là 4,3 triệu).
Điều này đã dẫn đến việc hầu hết các trường đại học đều gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho giáo viên. Trong thời gian qua, tuy mức lương tối thiểu đã tăng (từ 290.000 đồng/người/tháng lên 540.000 đồng/người/tháng (năm 2008)), song yêu cầu các trường giải quyết trong thu học phí là chủ yếu mà học phí thì không tăng, nên các trường phải dành tỷ lệ trong tổng thu của trường cho trả lương ngày một cao, phần dành cho giáo trình cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy ngày càng ít đi, điều này đã có ảnh hưởng ngày càng tăng đến chất lượng đào tạo.
Do vậy, để có thể đảm bảo thu nhập tối thiểu cho giáo viên phần nào hạn chế việc giáo viên giỏi chuyển ra các trường ngoài công lập dạy hoặc làm ở các công ty, các trường phải tăng số sinh viên, làm cho tỷ lệ sinh viên/giảng viên vẫn rất cao (30-50 sinh viên thậm chí 100 sinh viên/giảng viên).
Với mức học phí đại học 180.000đồng/tháng như hiện nay, chi phí đào tạo để trở thành kỹ sư, cử nhân mà người học phải trả là 7,2 triệu đến 9 triệu đồng cho 4 năm hoặc 5 năm học. Khi ra trường, ngay năm đầu tiên đi làm thu nhập của các kỹ sư, cử nhân đã từ 1,2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng, tức là 14,4 triệu đến 36 triệu đồng /năm. Có nghĩa là thu nhập chỉ 3 đến 8 tháng lương sau khi ra trường đã bằng toàn bộ học phí của các quá trình đào tạo.
Tiến tới sự công bằng
Trong khung học phí mới, Nhà nước vẫn là người chi lớn nhất. Còn các hộ gia đình, học phí chỉ là sự chia sẻ theo khả năng thu nhập theo nguyên tắc: học phí theo khả năng chi trả của hộ gia đình được cụ thể hóa bằng yêu cầu chi phí cho học tập của con em không quá 6% thu nhập của gia đình, với các bậc phổ cập (tiểu học, THCS) mầm non, THPT ở các trường công lập, học phí không bao giờ là gánh nặng tài chính cho gia đình. Gia đình nghèo còn được nhà nước trợ cấp tiền để mua đủ sách vở, đồ dung học tập, giày dép cho con đi học.
Học sinh thuộc gia đình thu nhập thấp, nếu ở các vùng khó khăn được miễn giảm học phí. Tuy nhiên, nếu nghèo tới mức không dành được mỗi năm khoảng 600.000 đến 700.000 đồng để mua sách vở. đồ dùng học tập, đồng phục, giày dép cho con đi học thì các em cũng không thể tới trường. Vì vậy, việc hỗ trợ người nghèo qua miễn học phí chưa đủ mà phải trợ cấp tiền thêm để các hộ này có thể đưa con đi học.
Với các hộ gia đình có thu nhập bình quân trên 1,5 triêu đồng/người/tháng (6 triệu đồng/hộ 4 người/tháng) thì mức học phí THPT tối đa là 35.000 đồng/tháng là rất thấp, dưới khả năng chi trả của họ, nếu có 2 con đi học thì chi phí học tập chỉ tương đương 3,3% thu nhập của gia đình. Họ có thể đóng cao hơn để bớt phần bao cấp của nhà nước cho họ dành ngân sách đó hỗ trợ cho người nghèo hơn. Song theo quy định hiện nay, trường cũng không thể thu học phí hơn 35.000 đồng/tháng.
Khi kinh tế gia đình khó khăn do thiên tai hoặc suy thoái của vùng hay cả nước thì người nghèo càng được quan tâm hơn vì số người được miễn giảm học phí sẽ tăng, số người được trợ cấp để cho con đi học được tăng thêm.
Những người có thu nhập cao hơn có quyền và nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn cho việc học hành của con em mình để Nhà nước có thể hỗ trợ nhiều hơn cho người khó khăn.
HP
(Báo Dân tộc & Phát triển- Số 43/2009)
[TT: H.T.N]