Một Đảng bộ mạnh trong vùng dân tộc Khmer
Bàn Thạch là một xã nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II của huyện Giồng Riềng, Kiên Giang. Đây là một xã có đông đồng bào Khmer sinh sống nên công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ trong đồng bào dân tộc luôn được quan tâm, chú trọng.
Thành lập năm 2002, lúc đó chi bộ xã Bàn Thạch mới chỉ có 16 đảng viên. Đến nay, Chi bộ đã phát triển lên thành Đảng bộ với 82 đảng viên, trong đó có 26 đảng viên người Khmer. Nhiều năm qua, cơ sở đảng Bàn Thạch luôn được Huyện ủy Giồng Riềng công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Điểm nổi bật trong công tác xây dựng Đảng là sự tập trung phát triển nguồn đảng viên tại chỗ.
Bí thư Đảng ủy xã Lê Quang Sang cho biết: “Bàn Thạch có trên 70% đồng bào Khmer. Do vậy, chúng tôi luôn tập trung phát triển nguồn đảng viên trong đối tượng này. Để đạt về cả chất lẫn lượng, các cán bộ luôn quan tâm bồi dưỡng những quần chúng có đạo đức tốt, làm việc hiệu quả, chú ý đối tượng người dân tộc thiểu số, giáo viên. Hơn 5 năm qua, Đảng bộ đã phát triển được 66 đảng viên, trong đó 1/3 là người dân tộc Khmer và khá đông là thầy cô giáo”.
Một trong những chi bộ làm tốt công tác phát triển đảng viên phải kể đến Chi bộ Trường THCS Bàn Thạch. Từ chi bộ ghép chỉ có 3 đảng viên, đến nay, Chi bộ Trường Bàn Thạch đã có 11 đảng viên và được tách ra sinh hoạt độc lập. Thầy Nguyễn Thanh Hùng, Phó Bí thư Chi bộ Trường Bàn Thạch cho biết: Từ đầu năm học, Ban Giám hiệu bố trí phân công cán bộ, giáo viên phối hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng đảm bảo tính khoa học, tính khả thi tạo điều kiện cho anh em công tác tốt. Bên cạnh đó, Chi bộ nhà trường còn chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đoàn thể tổ chức nhiều phong trào để các thầy cô tham gia. Qua đó, phát hiện những nhân tố tích cực, giao đảng viên kèm cặp, giúp đỡ, đưa vào diện quy hoạch nguồn phát triển đảng viên.
Tuy nhiên, để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, các thầy cô giáo phải có sự phấn đấu lớn, cá nhân phải thật sự gương mẫu trong một tập thể tốt”. Cô Thị Kim Thoa vừa được kết nạp Đảng tâm sự: “Được tổ chức quan tâm, giới thiệu và được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi rất sung sướng tự hào. Từ đây, bản thân có được môi trường tôi luyện tốt, giúp tôi chững chạc hơn và có trách nhiệm hơn”.
Ấp Láng Sen trước đây trắng đảng viên, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, đến nay ấp đã có 8 đảng viên, trong đó có 6 đồng chí là người dân tộc Khmer. Ấp đã thành lập chi bộ. Từ đó, hiệu quả và chất lượng công việc được phát huy, nâng lên rõ rệt. Các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng an ninh nhờ có sự gương mẫu “đầu tàu” của các đảng viên nên đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, các phong trào xây dựng giao thông, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo đã có sự chuyển biến tích cực. Đảng viên Danh Thắng sinh hoạt tại Chi bộ ấp Láng Sen tâm sự: “Tôi là một đảng viên người dân tộc. Tôi luôn tự hào khi đứng ra tuyên truyền vận động đồng bào mình thực hiện đường lối, chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đảng ủy còn quan tâm đến công tác quy hoạch đào tạo. Hiện, Đảng bộ đã có 6 đồng chí có trình độ cử nhân và nhiều cán bộ học xong trung cấp chính trị. Hằng năm, Đảng bộ Bàn Thạch có 95 cán bộ, đảng viên được tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ 75% số lượng đảng viên hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2003, nay đã tăng lên 99%; 91% chi bộ giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Theo Báo Kiên Giang
[TT: H.T.N]