Nan giải chuyện năng lực cán bộ

Giảm nghèo cho bà con các dân tộc ở miền núi là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, thể hiện qua nhiều chính sách đãi ngộ của trung ương và địa phương. Miền núi đã giảm được nghèo, nhưng giảm nghèo nhanh và bền vững vẫn còn là điều nan giải.

Làm hay !

Cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi của Quảng Nam đang ngày càng được phát triển về cả số lượng và chất lượng. Sau khi được đào tạo, họ về lại địa phương giúp xây dựng thôn bản phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh hơn. Tuy nhiên, năng lực của phần đông cán bộ xã ở các huyện nghèo miền núi vẫn đang là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi có đoàn kiểm tra về xã. Trực tiếp làm việc và nghe cán bộ xã nói chuyện, mới thấy hết được những khó khăn về con người mà các huyện nghèo như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My đang đối mặt.

A Vương là một xã không quá xa xôi của huyện Tây Giang. Chủ tịch UBND xã - ông A Ting Với đã học xong trung học phổ thông nên được xem là có trình độ nhưng vẫn không nắm vững các chương trình, mục tiêu triển khai tại địa phương. Vấn đề cơ bản nhất là nguồn vốn phân bổ về cho xã là bao nhiêu, cả Chủ tịch UBND xã lẫn cán bộ cấp dưới đều không nắm được. Đến khi một vị cán bộ tỉnh nhờ một cán bộ xã đi lục sổ sách thì mới tìm thấy bảng kê chi tiết nguồn vốn phân bổ về cho địa phương. Những nguồn hỗ trợ khác như chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, thẻ bảo hiểm y tế của người dân, hỗ trợ chuồng trại, môi trường… xã đều không nắm rõ được, nên chỉ trả lời “không biết”. Chủ tịch xã Ating Với nói: “Tui mới học xong trường huyện, về làm chủ tịch xã chứ chưa đi học thêm ở đâu hết. Cán bộ huyện xuống chỉ sao làm vậy, chứ cũng chưa rành lắm!”. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bh'riu Liếc cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường 1 cán bộ nguyên là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện xuống làm Phó Chủ tịch UBND xã để giúp đỡ cho xã A Vương trong một thời gian, nhưng đồng chí ấy chưa xuống kịp. Vốn phân bổ về cho từng xã chúng tôi đều họp công khai, chỉ do năng lực cán bộ xã quá yếu nên xã không biết. Làm việc gì chúng tôi cũng phải cho cán bộ xuống tận nơi, nếu không, chẳng biết bao giờ các công trình dự án mới triển khai hoàn chỉnh được”.

Ở xã Phước Năng (huyện Phước Sơn), xã được đầu tư 200 triệu đồng dùng cho việc mua giống heo, mua công cụ sản xuất hỗ trợ cho dân. Do trình độ hạn chế nên cán bộ xã không thể triển khai thực hiện hỗ trợ sản xuất đến tay người dân nhanh, không làm được trọn vẹn một bộ hồ sơ xin cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng chậm cấp thẻ bảo hiểm cho người dân trong xã, người dân chưa nhận được việc hỗ trợ sản xuất. Ông Hồ Văn Sim (thôn 1, xã Phước Năng) vừa được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 167, nhà mới khang trang nhưng gia đình ông không ở mà lại ở trong nhà tranh tre nứa lá lụp xụp phía sau. Ông Sim giải thích: “Cảm ơn Nhà nước hỗ trợ xây nhà, nhưng ở nhà xây nóng lắm, chưa quen, ở nhà lá mát hơn. Tôi chưa có thẻ bảo hiểm y tế, cũng chưa được hỗ trợ sản xuất như cán bộ nói. Suốt ngày tôi chỉ biết lên rừng, chứ có nghe chủ trương chính sách chi đâu”.

Khó thoát nghèo...

Khi chuẩn nghèo mới được áp dụng trong cả nước vào tháng 10-2010, với khu vực nông thôn, thu nhập bình quân của mỗi người dân là 450.000 đồng/tháng (5.400.000 đồng/năm) trở xuống thì được tính là hộ nghèo. Theo chuẩn nghèo cũ, thu nhập của người dân ở mức 200.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Với chuẩn nghèo hiện tại này, các huyện miền núi đều có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% - 60%. Mức giảm tỷ lệ nghèo bình quân mỗi năm của các huyện nghèo phấn đấu là 5% trở lên, trong năm 2010 đưa tỷ lệ hỗ nghèo xuống còn 50%, nếu tính theo chuẩn nghèo cũ đã là vấn đề khó, chưa nói đến khi áp dụng chuẩn nghèo mới. Ông Nguyễn Bằng - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhìn nhận: “Giảm nghèo miền núi là vấn đề cực kỳ nan giải, không thể tính trong vài năm mà phải tính cả nhiệm kỳ. Các huyện nghèo nên lưu ý cách đầu tư, cách làm sao cho hiệu quả, tránh tình trạng làm mô hình của huyện tại xã, khi cán bộ huyện rút thì mô hình cũng đi theo thì không thể giảm nghèo được. Tôi dám nói rằng khi chuẩn nghèo mới được áp dụng, các huyện nghèo chỉ có cán bộ, hộ buôn bán là không nghèo, còn lại toàn bộ là nghèo, tỷ lệ phải là trên 95% hộ nghèo. Như thế, khó mà đạt được mục tiêu giảm nghèo đã đề ra”.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng nhận xét: “Với cách làm theo kiểu huyện làm thay hoài thế này thì không thể giảm nghèo nhanh và bền vững được. Nhiều công trình mà cán bộ xã không biết thì lấy chi dân biết. Huyện nên dựa vào các chương trình mục tiêu của Trung ương, tỉnh đầu tư về huyện để tập trung thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực của cán bộ xã, thôn và tập quán sản xuất cũ, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng ý thức tự vươn lên làm kinh tế của người dân thì mới hy vọng giảm nghèo bền vững được. Bằng không, tỷ lệ hộ dân tái nghèo là rất cao khi họ không có được một cái gốc giảm nghèo vững chắc”. Vẫn biết rằng chương trình nào đầu tư vào miền núi đều có hợp phần đào tạo cán bộ. Song, việc đào tạo cái gì, phương thức đào tạo ra sao lại là vấn đề còn phải tính lại. Bởi theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Văn Ny: “Khi thực hiện chương trình 30a, 135, chúng tôi đều có đào tạo cán bộ xã nhưng không đào tạo được. Với các xã miền núi, phương cách tốt nhất hiện nay là cho cán bộ xuống tận thôn, nóc để bày cho cán bộ xã cũng như người dân cách làm ăn thì mới hy vọng thoát nghèo được. Nói lý thuyết suông chẳng có hiệu quả gì”.

Theo Diễm Lệ
(Nguồn: Báo Quảng Nam)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành