Nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng thuộc Chương trình 135

Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên đang thực hiện chương trình nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng dân tộc thiểu số, miền núi thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2008 - 2010. Chương trình này nhằm nâng cao trình độ, khả năng tiếp cận với nền kinh tế trong tình hình mới của cộng đồng dân cư ở những vùng khó khăn.

TỪ NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ XÃ, THÔN

Chương trình được thực hiện tại 12 xã hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2 và 31 thôn buôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực 2, nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý kinh tế xã hội của cán bộ cơ sở. Ngoài ra, chương trình còn hướng đến việc nâng cao năng lực cộng đồng và hỗ trợ các dịch vụ cải thiện đời sống nhân dân và trợ giúp pháp lý để phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên La Văn Tỷ, để thực hiện chủ trương đẩy nhanh tốc độ phát triển của miền núi, vùng ven biển, thu hẹp sự chênh lệch về kinh tế xã hội giữa những vùng này với khu vực đồng bằng, tất yếu phải nâng cao trình độ, nhận thức và khả năng quản lý kinh tế, xã hội của đội ngũ cán bộ cơ sở. Hiện nay, đa số cán bộ cơ sở tại những vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, ven biển được lựa chọn từ những người có kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư. Năng lực của họ còn hạn chế; chưa phát huy được vai trò lãnh đạo, hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức. Nhưng bù lại, họ là những người trực tiếp lao động sản xuất bên cạnh người dân. “Do đó, cần phải đưa ra những nội dung thiết thực nhất để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Hiện tại, vẫn tập trung vào các lĩnh vực như tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, chăn nuôi, thú y và trồng trọt… Những nội dung này phải được hướng dẫn cụ thể cho cán bộ chuyên trách cấp xã, thôn, buôn; cán bộ cấp trên tăng cường về giúp xã; các thành viên ban giám sát chương trình 135…” – Ông Tỷ cho biết.

ĐẾN NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CẢ CỘNG ĐỒNG

Một nội dung quan trọng khác của chương trình này là đào tạo nghề cho thanh niên từ 16 tuổi trở lên. Ông La Văn Tỷ nói rằng trong năm 2008, Ban Dân tộc sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội mở hàng loạt lớp đào tạo nghề tại các huyện cho thanh niên thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ba lĩnh vực nghề được tập trung trong đợt này là may dân dụng, điện dân dụng và sửa chữa xe máy.

Mới đây, Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh đã có sáng kiến đào tạo nghề cho thanh niên các xã, thôn đặc biệt khó khăn qua việc làm thực tế. Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn được thực hiện ở địa phương nào thì ưu tiên cho lao động nhàn rỗi ở khu vực đó tham gia. Trong quá trình tham gia, lực lượng thanh niên này sẽ được hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề căn bản để có thể lao động trong lĩnh vực này sau đó. Ông Tỷ cho rằng sáng kiến này sẽ tạo được việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số.

Cũng theo ông La Văn Tỷ, lao động trong lĩnh vực xây dựng ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần như “trắng”. Tất cả mọi nhu cầu về xây dựng, từ xây chuồng heo, nhà vệ sinh đến nhà ở hoặc các công trình khác đều phải thuê thợ từ đồng bằng. Ông Tỷ nói: “Chúng tôi cũng đang tìm hướng để đưa ngành nghề xây dựng vào chương trình đào tạo nhưng tiếc là đến nay vẫn chưa phối hợp được với các ngành chức năng. Sở Lao động - Thương binh - Xã hội không có nội dung đào tạo nghề này và cho rằng nó thuộc lĩnh vực của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, bằng mọi cách, chúng tôi cũng sẽ đưa nghề xây dựng dân dụng vào nội dung đào tạo nghề cho thanh niên các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Khi đó, chắc chắn một lực lượng lớn lao động sẽ thường xuyên có việc làm và đời sống sẽ được cải thiện đáng kể”.

Theo LY KHA

 In bài viết
Văn bản điều hành