Những vướng mắc trong thực hiện Chương trình 135 ở Cà Mau

Qua quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được 8 công trình thuộc dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí nơi ở mới cho 2.156 hộ với tổng số vốn đầu tư 5,592 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư phát triển 3 trạm truyền thanh thuộc các xã Khánh Hòa, huyện U Minh; Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời; Đất Mới, huyện Năm Căn...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc nên chưa sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Thực hiện dự án này những hộ dân được bố trí nơi ở mới đã bước đầu có cuộc sống ổn định, phát triển sản xuất. Để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, tỉnh đã mạnh dạn hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ độc canh một vụ lúa sang nuôi tôm chuyên canh và mô hình kết hợp lúa-tôm, mô hình VAC… mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người dân.

Để giúp người dân ổn định và phát triển sản xuất, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất; Quan tâm thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước, đầu tư, tín dụng. Nhiều địa phương thực hiện khá tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động, điển hình như xã Khánh Bình Tây hàng năm tạo việc làm cho trên 1.000 lao động.

Tuy nhiên, hiện có khoảng 200 hộ dân ở tuyến 29 thuộc huyện Trần Văn Thời bàn giao cho huyện U Minh chưa ổn định cuộc sống và đang gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch bố trí vốn lồng ghép với các chương trình, dự án khác cho các xã xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng số vốn đầu tư lên tới 253,9 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ở một số xã còn thấp kém… Thực hiện Chương trình 135, Cà Mau được phê duyệt đầu tư xây dựng 3 Trung tâm cụm xã nhưng tiến độ triển khai thực hiện các công trình thuộc trung tâm cụm xã chậm, đến nay mới cơ bản hoàn thành hai trung tâm cụm xã là Tân Lộc và Khánh Bình Tây. Nguyên nhân do Ban quản lý dự án và cán bộ cơ sở chưa tiếp thu và thực hiện đầy đủ những quy định, hướng dẫn thực hiện chương trình. Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều lúng túng, nhất là khâu lập dự án, giám sát thi công các công trình.

Bên cạnh đó, một số công trình đầu tư chất lượng xây dựng không cao, vị trí không thuận lợi, nên khó khai thác và không phát huy hết giá trị sử dụng. Điển hình là các công trình trường bán trú cho học sinh dân tộc Khmer, đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa xã, công trình chợ xã Khánh Hòa, chợ xã Khánh Bình Tây, ghe ngo xã Khánh Hòa… Đối với chợ xã Khánh Bình Tây, công trình do Uỷ ban nhân dân huyện Trần Văn Thời làm chủ đầu tư tuy đã hoàn thành phần nhà lồng chợ từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Hiện gần 30 hộ tự ý lấn chiếm xung quanh khu vực chợ, cất nhà, mở hàng quán. Xã Khánh Hòa được đầu tư đóng mới một chiếc ghe ngo với số tiền hơn 100 triệu đồng. Nhưng từ khi bàn giao đến nay chưa một lần sử dụng nên đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không sớm khắc phục sẽ không sử dụng được. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ vốn sản xuất, đầu tư cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng bố trí giống không hợp lý như vùng đã chuyển dịch sang nuôi tôm lại cấp lúa giống; Bố trí giống không đúng thời vụ. Công tác kiểm tra chất lượng con giống hỗ trợ cũng không được chú trọng; Một số trường hợp thậm chí còn mang lúa giống về xay ăn, mang tôm giống về bán lại.

Mặt khác, công tác đào tạo cán bộ cơ sở để thực hiện các mục tiêu của chương trình cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đến nay toàn tỉnh đã tập huấn cho 5.050 lượt người. Tuy nhiên, trình độ tổ chức, quản lý các nguồn tín dụng và giám sát trên lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, khả năng làm chủ đầu tư cũng như tham gia giám sát thi công công trình của cán bộ ở cấp xã còn hạn chế. Vì vậy, việc thực hiện Chương trình 135 ở giai đoạn II, nhất là chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng đến tận ấp, nếu giao cho cấp xã quản lý thực hiện dự án rất khó hoàn thành. Bên cạnh đó, các địa phương và ngành chức năng chưa chủ động, chưa cụ thể được kế hoạch.

Chính vì vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của chương trình, công tác đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình, nhất là cán bộ thực hiện công tác dân tộc ở cơ sở, đặc biệt là ở các xã thuộc Chương trình 135, xã mới thành lập có đông đồng bào dân tộc cần được chú trọng hơn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân khu vực tái định cư và lao động nông thôn; Thực hiện chính sách đầu tư, tín dụng về cho vay vốn phát triển đất sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Triển khai thực hiện chương trình phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc Khmer. Tỉnh Cà Mau cần nghiên cứu, sớm có giải pháp và chính sách hỗ trợ tái định cư, thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư. Trước mắt cần có giải pháp hỗ trợ thiết thực để ổn định cuộc sống cho 200 hộ dân từ huyện Trần Văn Thời vừa bàn giao cho huyện U Minh.

Cẩm Tú
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 7/2009)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành