Nỗi niềm thầy trò xã 135 Phú Sơn

Xã Phú Sơn (huyện vùng cao Quan Hóa, Thanh Hóa) rất nghèo, đa số là đồng bào DTTS Mông, Mường, Thái... đời sống nhân dân nơi đây còn khó khăn, giao thông đi lại cách trở sông suối, đồi núi cao, trình độ dân trí thấp nên công tác giáo dục còn lắm gian nan.

Người dân Phú Sơn từ bao đời nay vẫn đi lại trên những chuyến đò nan chòng chành qua sông Mã để giao lưu với bên ngoài. Năm 2005, Nhà nước đầu tư xây dựng cho Phú Sơn một cây cầu treo trị giá 5 tỷ đồng. Mấy tháng trời, bà con cùng công nhân công ty Cổ phần giao thông II (thuộc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa) ngày đêm tích cực làm cầu. Ai cũng vui mừng vì từ đây được đi lại thuận tiện, đời sống sẽ tốt hơn.

Ngày 30/5/2008, cây cầu đã sập trôi theo dòng sông Mã khi chưa hoàn thành, do đơn vị thi công cầu thiếu kinh nghiệm. Và người dân vẫn phải đi lại trên những chuyến đò nguy hiểm. Không ít người đã bỏ mạng khi qua đò.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông trắc trở, nhiều phụ huynh, học sinh (HS) vì lo miếng cơm, manh áo nên chưa chú trọng đầu tư cho con em học tập. Tình trạng bỏ học hằng năm và trẻ em không được đến trường vẫn đáng báo động.

Ở bản Suối Tôn, 100% là đồng bào dân tộc Mông sống trên những đỉnh núi cao. Gánh nặng mưu sinh, tình trạng sinh đẻ nhiều, trình độ dân trí thấp... là những nguyên nhân cản trở học sinh đến lớp. Năm 2008, bản đã được đầu tư xây dựng trường học nhưng vẫn còn nhiều trẻ em chưa biết đến trường, lớp vì “Đi học thì không ai lên rẫy cho” - tâm sự của em Mùa Thị Sinh (15 tuổi). Nhiều gia đình ở đây cứ chìm trong vòng luẩn quẩn: đẻ nhiều - nghèo đói – bệnh tật- thất học... Nhà Thào Chá Xìa (42 tuổi) có 11 con; nhà Mùa A Xu (47 tuổi) có 10 con... đa số đều không đi học.

Sự học của các em HS nơi đây đã khó, nhưng cuộc sống của thầy cô giáo cũng không lấy gì làm sáng sủa. Đa số giáo viên vẫn sống tạm ở căn nhà lụp xụp trong khuôn viên trường Tiểu học Phú Sơn. Căn phòng gần 20m2, vợ chồng và đứa con nhỏ gia đình thầy Lê Duy Xuân (quê ở huyện Hoằng Hóa) và cô Nguyễn Bích Thủy (huyện Yên Định). Thầy cô đều là những giáo viên miền xuôi, lên miền núi dạy học. Chung cảnh ngộ, hai người bén duyên, xây dựng gia đình. Cô Thủy tâm sự: “Em lên đây dạy học được 8 năm mà vẫn chưa được chuyển đến trường gần hơn hoặc về miền xuôi. Ở đây mãi rồi cũng thấy quen, lại được HS, bà con yêu mến”.

Đành rằng phụ cấp cho giáo viên miền núi cũng cao nhưng nhiều khi có tiền mà chẳng biết mua gì. 14 năm công tác, thầy Lê Văn Bách (Hiệu phó Trường Tiểu học Phú Sơn) dành dụm gửi về nhà phụ giúp gia đình ở huyện miền biển Hậu Lộc. Thứ 7 hằng tuần, các giáo viên vượt đò đi chợ phiên ở huyện Mai Châu (Hòa Bình). Đời sống giáo viên và người dân nơi đây còn cực khổ: chưa có điện lưới quốc gia, chưa có nước sạch để sử dụng, ăn uống kham khổ vì chợ xa... Thầy cô phải trèo đèo, lội suối xách nước về dùng. Các thầy cô giáo chủ động trồng các loại rau, nuôi con gà, vịt... để cải thiện đời sống.

Dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng vì lòng yêu con trẻ, say mê với nghề nên các giáo viên ở đây luôn khắc phục hoàn cảnh, vẫn đều đặn bám lớp, vận động HS đến trường. Vào đầu mỗi năm học, giáo viên lại phối hợp với chính quyền, các đoàn thể trong xã đến từng nhà, từng người vận động HS đi học. Gian nan là thế nhưng nhiều khi vận động các em đi học, được một thời gian ngắn, các em lại bỏ học lên rẫy, ở nhà.

Ông Phạm Minh Núi, Phó chủ tịch UBND xã nói về khó khăn trong công tác giáo dục của Phú Sơn: “Điều kiện giao thông cách trở, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, gần 100% HS là người DTTS nên nhiều em bỏ học, không được học. Chúng tôi luôn chú trọng công tác giáo dục nhưng kinh phí địa phương còn quá ít”. Hằng năm, xã Phú Sơn có khoảng 30 HS “khăn gói” xuống thị trấn Hồi Xuân học THPT.

Các em đi học gặp nhiều khó khăn, thỉnh thoảng mới trở về “cõng” gạo, bắp, sắn, măng rừng, tiền bạc... làm chi phí ăn học. Cả xã mới chỉ có một em đã tốt nghiệp đại học và một em đang theo học đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Tuy nhiên, những năm gần đây, xã Phú Sơn được đầu tư phát triển kinh tế-xã hội qua các chương trình, dự án 135, 134, 174... của Chính phủ nên đời sống bà con cũng được khắc phục phần nào. Con đường cấp phối liên xã; trường tiểu học, THCS... được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập. Vì thế, công tác giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp học đã hoàn thành chương trình và tổng kết năm học đúng thời gian quy định.

Vào năm học mới 2009-2010, chính quyền, đoàn thể và giáo viên tiếp tục cuộc chạy đua vận động học sinh đến trường như hằng năm. Xã Phú Sơn cần được đầu tư, quan tâm hơn nữa để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, tu sửa trường lớp... góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy bà con DTTS phát triển đi lên, trẻ em được đến trường.

Hoàng Quân
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 73/2009)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành