Thực hiện Chương trình 135 – Nâng cao năng lực cán bộ cấp xã

Một trong những nguyên tắc, đồng thời cũng là cam kết của Chính phủ nước ta đối với các nhà tài trợ cho Chương trình 135 giai đoạn III là phải tăng cường trao quyền cho người dân. Các xã được hưởng hỗ trợ đồng thời phải là chủ đầu tư các công trình, dự án của Chương trình 135 giai đoạn III. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều xã hiện nay vẫn “loay hoay” với việc làm chủ đầu tư các công trình. Vậy, làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Các địa phương đều có những lý do cho việc cán bộ xã không thể làm chủ đầu tư các công trình, dự án của chương trình 135 giai đoạn III. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải giải quyết những lý do, những khó khăn này thế nào? Làm sao để các xã có thể đảm đương việc làm chủ đầu tư các dự án, công trình của chương trình 135 giai đoạn III, có thể hoàn thành nhiệm vụ cũng như quyền lợi của một đơn vị được hưởng hỗ trợ?

Theo đại diện Đại sứ quán Ai Len, đơn vị tài trợ chính của chương trình 135 giai đoạn III, chính quyền cấp xã không đảm đương làm chủ đầu tư các công trình tức là cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ chưa hoàn thành. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để giúp các xã nâng cao nâng cao năng lực: Vấn đề là, không phải kêu là không làm được, mà phải làm thế nào hỗ trợ các xã làm việc ấy. Có rất nhiều xã, chúng tôi chứng kiến xã có đủ điều kiện làm chủ đầu tư, nhưng tỉnh và huyện chưa có cơ chế linh hoạt để giao cho xã làm chủ đầu tư. Nếu mà họp với cán bộ cấp xã thì họ khẳng định, với các công trình, dự án quy mô nhỏ, họ hoàn toàn làm chủ được, và sự giao quyền cho họ còn hạn chế. Tuy nhiên, tôi cũng chia sẻ, một số xã vùng sâu, vùng xa, cán bộ xã còn hạn chế, không thể đảm nhận việc đánh giá, thẩm định hồ sơ, đa phần phải nhờ tư vấn làm.

Để thực hiện cam kết với nhà tài trợ, cũng như thực hiện nhiệm vụ địa phương được hưởng hỗ trợ, nhiều tỉnh đã có các cách làm khác nhau để nâng cao năng lực làm chủ đầu tư cho cấp xã. Một số địa phương đã lồng ghép chương trình 135 với các chương trình dự án khác có hợp phần đào tạo cán bộ hoặc tự bỏ kinh phí địa phương để bồi dưỡng cán bộ cấp xã. Ở huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh), không chỉ các hợp phần, dự án của chương trình 135 giai đoạn 3, mà nhiều chương trình khác, các xã đặc biệt khó khăn đều làm chủ đầu tư. Ông Nguyễn Vũ Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiểu Cần cho biết, đây là kết quả của sự chủ động và quan tâm đến đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện: Đối với huyện Tiểu Cần, các xã giai đoạn 2 này, huyện chủ động tập huấn. Huyện giao cho phòng công thương, phòng tài chính - kế hoạch, cơ quan chuyên môn, tập huấn cho các xã này về quy trình, trình tự thủ tục, từ bước phải lập hồ sơ thế nào, giám sát thi công thế nào. Đến nay, huyện mạnh dạn giao cho các xã làm chủ đầu tư. Không chỉ chương trình Nông thôn mới mà Chương trình 135, cái nào phân giao cho xã thì huyện mạnh dạn giao cho xã làm chủ đầu tư. Theo huyện nhận định, các công trình rất hiệu quả.

Theo ông Đặng Luật, Phó Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, để các xã đặc biệt khó khăn có thể làm chủ đầu tư các công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cần có kế hoạch đào tạo lâu dài. Bởi, trình độ cán bộ cấp xã, nhất là các xã đặc biệt khó khăn còn hạn chế, trong khi đó, các công trình xây dựng cơ bản lại liên quan đến nhiều nội dung luật, nhiều quy định phức tạp. Tỉnh Kon Tum, một mặt tăng cường mở lớp tập huấn cho cán bộ xã, mặt khác, mạnh dạn giao cho xã làm chủ đầu tư các dự án có nguồn vốn nhỏ, dễ thực hiện. Các xã vừa làm, vừa được tập huấn, vừa rút kinh nghiệm: Đối với các xã có đủ năng lực thì giao làm chủ đầu tư 100% nguồn vốn. Còn xã năng lực hạn chế thì giao các công trình có quy mô nhỏ, nguồn vốn nhỏ hơn 500 triệu đồng. Riêng đối với nguồn vốn viện trợ của chính phủ Ai Len, trong kế hoạch, năm 2013 - 2015 đã lựa chọn 5 xã có đủ năng lực để giao làm chủ đầu tư 5 công trình theo kế hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế 1 số xã có trình độ có trình độ năng lực quản lý dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, do thiếu cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm. Vì vậy, đối với những xã này, việc giao chủ đầu tư phải tiến hành từng bước, có sự giúp đỡ của các phòng ban của huyện.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, có thể trong 1, 2 năm đầu của Chương trình 135 giai đoạn III, các xã còn chưa thể đảm nhiệm chủ đầu tư các công trình, dự án, nhưng tình trạng này không thể kéo dài sang các năm tiếp theo. Vì vậy, các địa phương cần có chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở các xã đặc biệt khó khăn.

 In bài viết
Văn bản điều hành