Theo kế họach tổ chức đã được UBND tỉnh phê duyệt, khóa đào tạo, bồi dưỡng lần này được phân chia thành 5 lớp, thuộc 5 cụm huyện. Thời gian tổ chức các lớp học sẽ bắt đầu từ ngày 05 tháng 11 đến ngày 06 tháng 12 năm 2008. Có 878 cán bộ cơ sở, ấp và cộng đồng sẽ tham dự các lớp học. Ông Nguyễn Xuân Tươi, Trưởng Ban dân tộc tỉnh, Phó Ban thường trực, Ban chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh, thay mặt Lãnh đạo tỉnh tham dự, khai mạc và chủ trì khóa học. Tỉnh đã mời Cán bộ của Ủy ban dân tộc, Cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Kho bạc Nhà nước tỉnh và Lãnh đạo Ban dân tộc làm Báo cáo viên. Sau khi kết thúc các lớp học, Ban tổ chức sẽ tổ chức cho 60 học viên đại diện cho 21 xã, 31 ấp và một số hộ sản xuất giỏi tiêu biểu, cùng một số cán bộ đại diện các Ban, ngành, địa phương có liên quan đến công tác dân tộc, đi thăm quan, học tập mô hình sản xuất tốt ở một số địa phương.
Nội dung chính của khóa đào tạo, bồi dưỡng lần này là giúp cho học viên nắm vững các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta qua từng thời kỳ cách mạng và nhất là giai đọan cách mạng nước ta hiện nay. Nội dung Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 25/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 04/2007/QĐ-UBDT ngày 19/7/2007 của Uỷ ban Dân tộc. Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 15/9/2008, mà tập trung chủ yếu vào 4 hợp phần: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng; Dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng và Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật và một số quyết định, văn bản liên quan khác.
Mục đích làm cho cán bộ cơ sở nắm vững mục tiêu đầu tư của chương trình 135 giai đoạn II, nắm được các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc, kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức để vận dụng vào phát triển kinh tế hộ, nhóm hộ gia đình. Các cơ chế quản lý thực hiện chương trình 135, kiến thức về quản lý dự án đầu tư, báo cáo tổng hợp và giám sát đánh giá, thanh quyết toán vốn của các dự án và chính sách thuộc chương trình 135 giai đoạn II. Các kiến thức về tổ chức họp dân, tổng hợp ý kiến, lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, về giám sát đầu tư, về kinh tế hộ, về thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trên cơ sở quán triệt những nội dung, kiến thức từ các tài liệu trong chương trình đào tạo được biên soạn, đồng thời là dịp để các học viên thảo luận, trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để từ đó cùng rút ra những phương pháp tốt nhất trong sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế ở địa phương đạt hiệu quả cao, đúng với mục tiêu của chương trình. Bên cạnh đó giúp cho học viên và cộng đồng biết phát huy vai trò của mình trong tham gia thực hiện chương trình 135, xây dựng đề án hỗ trợ kế hoạch vốn năm 2009 của từng địa phương.
Chương trình 135 giai đoạn I trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 8 xã, 1 thị trấn trong diện được đầu tư. Sau khi chia tách tỉnh chỉ còn lại xã và đã hoàn thành mục tiêu, ra khỏi chương trình 135 giai đoạn I.
Chương trình 135 giai đọan II, Tỉnh Hậu Giang có 31 ấp thuộc 16 xã khu vực II, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc phê duyệt danh sách công nhận là ấp đặc biệt khó khăn, thuộc diện được đầu tư.
Đền nay, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức triển khai xong 4 hợp phần theo hướng dẫn của Thông tư liên Bộ số 01, trong đó 3 hợp phần gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; Đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, đang được triển khai thực hiện.
Hậu Giang là tỉnh mới chia tách, còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết nguồn vốn các chương trình, dự án đều do NSTW cấp. Theo dự toán được duyệt, giai đoạn 2007-2010 nguồn vốn được phân bổ là trên 30 tỷ đồng; trong đó, năm 2008 đã cấp 8 tỷ 772 triệu đồng. Hiện nay, các chương trình, dự án đã được triển khai thực hiện khá tốt tại 16 xã, 31 ấp đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, đã góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tăng thu nhập cho nhiều hộ đồng bào, một số hộ đã thoát nghèo (năm 2008 có trên 40 hộ). Năm 2008 có 33 hạng mục công trình cơ sở hạ tầng như: cầu, đường, trường, trạm quy mô nhỏ tại 16 xã, 31 ấp với tổng số kinh phí được Trung ương cấp là 4 tỷ 624 triệu đồng đã được thực hiện.
Nhằm tập trung công tác chỉ đạo, cũng như tăng cường đầu tư nguồn lực để thực hiện CT 135 giai đọan II vận hành đúng tiến độ và có hiệu quả, mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 2417/QĐ-UBND về việc bổ sung thêm 2,2 tỷ đồng vào nguồn kinh phí thực hiện CT 135 giai đọan II năm 2008 cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, bổ sung dự tóan cho Ban dân tộc tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, ấp, cộng đồng với số tiền là 435 triệu đồng. Bổ sung dự tóan cho UBND huyện, thị xã hỗ trợ phát triển sản xuất cho các ấp trên địa bàn huyện, thị xã thuộc diện đàu tư CT 135 (giai đọan II) là 870 triệu đồng. Bổ sung dự tóan chi sự nghiệp Giáo dục và đào tạo cho UBND huyện, thị xã nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh con hộ dân tộc nghèo thuộc chương trình trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 910 triệu đồng.
Phát biểu trong buổi khai mạc khóa học, Lãnh đạo chủ trì Hội nghị khảng định: “…Qua tổng kết CT 135 giai đọan I trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đã đạt được những thành tựu đang phấn khởi trên các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững. Từ Chương trình 135, đã có hàng chục tỷ đồng được đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Chương trình 135 đã thực sự đi vào lòng dân, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…”.
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện CT 135 giai đọan I, với sự quyết tâm của Lãnh đạo các cấp ủy Đảng, Chính quyền, của các Sở, Ngành và phát huy vai trò của các tổ chức đòan thể trong tỉnh về quyết tâm thực hiện thắng lợi CT 135 giai đọan II trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo, chủ trì khóa học đề nghị các đại biểu về tham dự học tập nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, Đảng viên, xã, ấp và cộng đồng, đang công tác, làm việc ở những địa phương đặc biệt khó khăn. Cần tập trung nghiên cứu, nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung và nhiệm vụ CT 135 giai đọan II. Để trong thời gian tới, tổ chức triển khai thực hiện CT 135 ở địa phương mình đúng phạm vi, đối tượng, chính sách, đúng tiến độ và phát huy được hiệu quả cao. Tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất gắn với thị trường, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, phấn đấu đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống 30%. Nhất định tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai thực hiện tốt và giành được nhiều thành tựu to lớn hơn, hòan thành xuất sắc các mục tiêu chương trình 135 giau đọan II đã đề ra trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Châu